Theo đó, lãnh đạo UBND TP.Đông Hà tiếp công dân với tỷ lệ rất thấp, chỉ có 16/87 ngày, chiếm 18%. Đoàn giám sát cũng chỉ rõ việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng còn nhiều vấn đề chưa đúng quy định. Ngoài việc lãnh đạo tiếp công dân rất thấp, còn có việc bố trí ủy quyền người tiếp công dân thay không đúng quy định; kỹ năng tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu.
Quy định về thời gian, thành phần (trong đó có người đứng đầu chính quyền địa phương) đã rõ. Tâm lý người dân cũng vậy: khi gặp những bức xúc, ngang trái, cảm thấy bị o ép, thiệt thòi… luôn muốn gặp được người đứng đầu. Bởi chính họ biết rằng, nhiều vụ việc chỉ có người đứng đầu mới giải quyết được. Và đó là đòi hỏi chính đáng...
Còn nhớ, cách đây chừng 5 năm, tiểu thương chợ Hồ Xá (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) từng bãi thị, vây kín trụ sở UBND H.Vĩnh Linh bày tỏ bức xúc. Nhưng khi PV Thanh Niên ra tới nơi để ghi nhận thì thấy sân trụ sở vắng tanh. Mới hay, ông Trần Hữu Hùng (khi đó là Chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh) đã cho hoãn một cuộc họp quan trọng để mời cả trăm người dân vào hội trường, lắng nghe nguyện vọng của họ. Hai giờ đồng hồ sau, bà con vui vẻ ra về. Một tuần sau, những bức xúc về lô quầy của các tiểu thương trong chợ đã được giải quyết ổn thỏa… Đó là ví dụ rất nhỏ trong công tác tiếp dân, mà nói như ông Hùng vào thời điểm đó: “Dân đến là mình phải tiếp. Vì chẳng người dân nào rỗi hơi kéo lên trụ sở chính quyền nếu như họ không có công chuyện hệ trọng”.
Tất nhiên mọi người dân khi tìm đến với cơ quan nhà nước đều mong mỏi những vấn đề mình khiếu nại được giải quyết. Nhưng trước hết, họ mong... gặp được lãnh đạo, trước khi tính chuyện đề đạt nguyện vọng. Chỉ khó hiểu là lãnh đạo mà ít tiếp dân thì tiếp ai?
Bình luận (0)