Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội: 'Ùn tắc là khó tránh khỏi'

Mai Hà
Mai Hà
11/07/2023 09:36 GMT+7

Dẫn ra tỷ lệ khách tham gia vận tải công cộng mới đạt 18,5%, tỷ lệ đất dành cho giao thông công cộng cũng rất thấp, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết tình trạng ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi.

Thông tin tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT chiều qua 10.7, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, quy hoạch GTVT thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20 - 26% trong đô thị trung tâm. Trong đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3 - 4%.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội: 'Ùn tắc là khó tránh khỏi' - Ảnh 1.

Ùn tắc kéo dài tại đường Hồ Tùng Mậu (Q.Cầu Giấy) trong giờ cao điểm sáng 10.7

KHĂC HIẾU

Quy hoạch cũng nêu rõ tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 đạt khoảng 50 - 55% tổng nhu cầu đi lại.

Mạng lưới vận tải công cộng đa phương thức trên địa bàn thành phố đã được hình thành, gồm: tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được đầu tư xây dựng, 153 tuyến buýt, trong đó có 9 tuyến buýt điện và 10 tuyến sử dụng năng lượng sạch CNG.

Cho rằng tỷ lệ bao phủ của vận tải công cộng ghi nhận những tín hiệu tích cực, song theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, lượng phương tiện hoạt động tăng mạnh, trong khi tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp, tình trạng ùn tắc còn diễn biến tương đối phức tạp.

Ông Bảo cũng cho hay, số lượng phương tiện tại thủ đô hiện tại là hơn 7,9 triệu xe. Trong đó, có 1,1 triệu xe ô tô, có 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của phương tiện trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy. Chưa kể, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác nhau.

"Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới của Hà Nội mới đạt khoảng 10,3%, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%, tỷ lệ khách tham gia vận tải công cộng mới đạt 18,5%. Tình trạng ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi", ông Bảo nói.

Tuy nhiên, các biện pháp giảm ùn tắc trong thời gian tới được Sở GTVT Hà Nội đưa ra chưa có nhiều đột phá. Theo đó vẫn tập trung vào các vấn đề có tầm nhìn khá xa như đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4; các tuyến trục chính hướng tâm như QL1, QL6…, tổ chức giao thông hợp lý; phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng...

Đồng thời, Sở GTVT cũng cho biết sẽ thường xuyên rà soát các bất cập của tổ chức giao thông, nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý hạn chế xung đột; phối hợp với lực lượng chức năng, các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện thực hiện tổ chức phân luồng giao thông hợp lý nhất để phục vụ thi công các dự án.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc dựng hàng rào và tổ chức lại giao thông tại nhiều khu vực giao thông trọng yếu đang biến thành các điểm đen ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Đơn cử như tại nút giao Mai Dịch (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) để thi công hạng mục xây dựng bổ sung 2 cầu vượt thép, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức phân luồng giao thông theo hình thức đảo xuyến trung tâm kết hợp đèn tín hiệu tại đây, từ ngày 8.7 - 31.12.

Kết quả do hàng rào được dựng lên và chiếm hơn nửa lòng đường, khu vực này đã ùn ứ kéo dài. Tình trạng ùn tắc cũng xuất hiện tại đường trên cao Vành đai 3 và đường dưới thấp Phạm Hùng hướng về nút giao Mai Dịch. Ùn tắc nghiêm trọng khiến người dân phải chật vật nhích từng mét để di chuyển qua đoạn tuyến này.

Xem nhanh 12h ngày 11.7: Bản tin thời sự toàn cảnh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.