Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM nhận khuyết điểm vụ 'thánh đường' cải lương

13/06/2016 23:54 GMT+7

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM đã nhận khuyết điểm trước Bí thư Đinh La Thăng về việc 'thánh đường' cải lương phía Nam xây xong 3 năm nay vẫn không sử dụng được.

Chiều 13.6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TP.HCM.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM vừa vào cuộc đã than thở với Bí thư Đinh La Thăng: “Bao giờ trong sáng tác, anh em văn nghệ sĩ rất hăng say và nhiệt tình cống hiến nhưng tới khi quyết toán với Sở Tài chính thì cực kỳ khó khăn, nhiều khi Hội Âm nhạc làm xong chương trình thì không còn đồng nào, đôi lúc chúng tôi cảm thấy… tủi thân vì ít được động viên”.
Đồng tình với ý kiến của tác giả Một đời người, một rừng cây, nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TP.HCM gay gắt về tình trạng giải thưởng VHNT “cào bằng” cho các Hội đều 50 triệu đồng, trong khi Hội VHNT các dân tộc thiểu số không có tác phẩm nào. Vì vậy, nhà văn Trần Văn Tuấn kiến nghị “Sở Tài chính phải tạo điều kiện tốt nhất để nhà văn được… nhận tiền. Nhiều khi chỉ 1 - 3 triệu đồng mà thủ tục quá rườm rà khiến chúng tôi thấy nản”.
Họa sĩ Huỳnh Văn Mười tâm sự: “Từ ngày giải phóng đến nay, TP.HCM chỉ có một Bảo tàng Mỹ thuật để công chúng thưởng ngoạn tại Nhà chú Hỏa (Q.1, TP.HCM), không gian chật chội nóng bức. Khách vào xem tranh xong mồ hôi vã ra như tắm, thử hỏi tâm trí đâu mà thưởng thức. Chưa kể môi trường như thế chất lượng tác phẩm làm sao đảm bảo được. Trong khi đó không gian đô thị thì bị chồng lấp giữa cái cũ và cái mới, hệ thống tượng đài chưa được qui hoạch bài bản. Phải làm sao để TP.HCM xứng tầm là trung tâm văn hóa kinh tế của cả nước, trở lại tên gọi Hòn ngọc Viễn Đông một thời đây, thưa đồng chí Bí thư”.
Ông Đinh La Thăng giải đáp các ý kiến của văn nghệ sĩ TP.HCM Ảnh: Trung Hiếu
Còn NSND Trần Ngọc Giàu thẳng thắn: “Ông Đinh La Thăng không thể bắt khán giả đến với sân khấu nhưng chúng tôi cần sự hỗ trợ của ông để tạo nên bộ mặt mới cho sân khấu TP. Tại sao Sài Gòn - Gia Định là cái nôi của cải lương lại không có một Nhà hát cải lương Quốc gia mà lại đặt ở Hà nội. Trong khi đó, “thánh đường” cải lương phía Nam xây xong 3 năm nay vẫn không sử dụng được”.
Lý giải cho vấn đề này, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao (VH-TT) TP.HCM nhận khuyết điểm trước Bí thư Đinh La Thăng và cho rằng do TP tập trung lo những vấn đề dân sinh mà chưa quan tâm đúng mức đời sống VHNT cho người dân. Nhiều nghệ sĩ rũ áo nhà nước trở thành diễn viên của các đoàn dân lập, đó là điều hết sức đau xót.
Lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM cho biết: “Về vụ nhà hát cải lương Trần Hữu Trang lúc đầu do nhà hát làm chủ đầu tư sau đó giao lại cho Sở, trải qua nhiều đời khác nhau, đơn vị tư vấn làm theo cảm hứng khiến công trình đến giờ vẫn nằm “đắp chiếu” không đưa vào sử dụng được”. Nghe tới đây, ông Đinh La Thăng cắt ngang: “Vậy bây giờ ai làm chủ đầu tư?”, lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM cho biết: "Hiện công trình của nhà hát do Ban Quản lý dự án trực thuộc Sở”. “Vậy thì cũng của anh luôn chứ ai. Như vậy, Sở hoàn toàn yếu về năng lực đầu tư, không am hiểu tính chất kỹ thuật và năng lực quản lý kém", ông Đinh La Thăng nói.
Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy bộc bạch thêm với Bí thư: “Nói đến tiền thiệt kỳ lắm nhưng không nói không được. Xin lỗi, như hội nghị đây mà muốn thanh toán chi phí cũng nhiêu khê lắm anh ơi... Nghệ sĩ làm xong tác phẩm vinh dự đâu chưa thấy nhưng có khi phải lấy tiền nhà ra mà trả, thậm chí phải mắc nợ. Tiền chi đủ rồi mà không quyết toán được còn phải hóa đơn, trong khi nói tới mấy thủ tục này là văn nghệ sĩ họ rất nản”.
Bí thư Đinh La Thăng ghi nhận những ý kiến tâm huyết của văn nghệ sĩ TP.HCM. Ông nói: “Chúng ta cần rà soát lại từng lĩnh vực và có qui hoạch tổng thể đến năm 2020. Phải làm bằng được tượng đài non sông thống nhất. Nếu có đề án bài bản việc kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư không khó. Đồng thời phải xây dựng dự toán 5 năm cho các Hội tự chủ động. Người ta sáng tác 1 tiểu thuyết cũng phải 1 - 2 năm mới xong chứ đâu phải năm nào cũng viết ngay đâu nhưng các Hội cũng tự đề xuất kinh phí hoạt động. Sắp tới, có thể áp dụng hình thức khoán chi luôn để văn nghệ sĩ dành toàn bộ tâm trí cho sáng tác. Văn nghệ sĩ có lòng tự trọng rất cao, đừng để họ tủi thân. Ai lại đi bắt họ phải đối phó với các thủ tục nhiêu khê về tài chính thì làm sao có tác phẩm cho tốt được…”.

tin liên quan

'Thánh đường' cải lương xây xong, chờ... sửa

Đã 1 tháng kể từ ngày dự định khánh thành (18.4.2015), Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, được chờ đợi sẽ là một 'thánh đường'của sân khấu cải lương phía nam, vẫn cửa đóng then cài, trong khi vở diễn để mừng khánh thành nhà hát phải dời sang nơi khác biểu diễn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.