* Việt Nam và nhiều nước gửi điện chia buồn
* Diễn biến khó lường tại Triều Tiên
* Lãnh tụ bí ẩn
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il vừa qua đời do bệnh tim, kết thúc 17 năm cầm quyền với nhiều sự kiện.
Ngày 19.12, Hãng thông tấn trung ương KCNA thông báo lãnh đạo tối cao CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il từ trần vào lúc 8 giờ 30 ngày 17.12 (giờ địa phương) khi đang đi công tác bằng xe lửa. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy ông Kim, 69 tuổi, qua đời do nhồi máu cơ tim và nhiều biến chứng về tim khác. Cách đây hơn 3 năm, ông Kim từng bị đột quỵ nhưng sau đó đã hồi phục và KCNA liên tục đưa hình ảnh, thông tin về việc ông đi thị sát trong nước cũng như công du nước ngoài.
|
Thi hài lãnh đạo Kim được đặt tại Cung tưởng niệm Kumsusan ở Bình Nhưỡng, nơi đặt thi hài cha ông là Chủ tịch Kim Nhật Thành. Cả nước để tang nhà lãnh đạo từ ngày 17-29.12 và người dân sẽ được phép tới Kumsusan để bày tỏ tiếc thương từ ngày 20-27.12. Lễ quốc tang sẽ được tổ chức vào ngày 28, không có phái đoàn nước ngoài nào được mời.
Việt Nam chia buồn Ngày 19.12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói: “Chúng tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Triều Tiên trước việc đồng chí Kim Jong-iI đã từ trần. Chúng tôi tin tưởng nhân dân Triều Tiên sẽ vượt qua mất mát to lớn này, tiếp tục nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước”. Theo AFP, chính phủ Indonesia, Nga, Nhật Bản, Philippines, Venezuela và Trung Quốc cũng đã gửi điện chia buồn. Trong khi đó, Anh, Đức, Mỹ, Hàn Quốc và Pháp tuyên bố sẽ theo dõi sát tình hình. Văn Khoa - Nguyên Phong - TTXVN |
Sự ra đi của lãnh đạo Kim để lại “nỗi đau không thể diễn tả” cho cả nước CHDCND Triều Tiên, theo KCNA. Truyền hình phát cảnh nhiều người dân từ trẻ đến già đẫm nước mắt phủ phục trước di ảnh nhà lãnh đạo. “Nhiều con đường ở Bình Nhưỡng vắng bất thường, cửa hàng đóng cửa và treo cờ rủ”, Thời báo Hoàn cầu mô tả.
Hàn, Nhật họp an ninh khẩn cấp
Ngay sau khi có tin ông Kim qua đời, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hủy mọi kế hoạch và họp khẩn với Hội đồng An ninh quốc gia. AFP dẫn lời ông Lee kêu gọi người dân bình tĩnh và đặt quân đội Hàn Quốc trong tình trạng khẩn cấp, theo dõi mọi động thái của miền Bắc. Cùng ngày, Tổng thống Lee điện đàm với người đồng cấp Mỹ Barack Obama để bàn cách ứng phó mọi bất thường có thể xảy ra. Ông Lee và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng nhất trí chia sẻ thông tin trong lúc theo dõi tình hình miền Bắc. Trước đó, ông Noda tổ chức họp an ninh khẩn cấp đồng thời phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc, theo Kyodo News.
Sở dĩ có những động thái trên là do xuất hiện nhiều lo ngại bất ổn sẽ bùng phát trong khu vực sau sự ra đi của ông Kim Jong-il. Seoul và Tokyo lo ngại quân đội của Bình Nhưỡng sẽ có hành động khó lường hoặc CHDCND Triều Tiên rơi vào hỗn loạn sẽ ảnh hưởng cân bằng và an ninh trong khu vực. Thậm chí, một số người Hàn Quốc cho rằng có thể xảy ra chiến tranh. Tâm lý này khiến chứng khoán Hàn Quốc và Nhật Bản đồng loạt giảm điểm trong ngày 19.12, theo AFP.
Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu bất thường nào. Tuy nhiên, Yonhap dẫn nguồn tin giấu tên cho hay trong ngày 19.12, Bình Nhưỡng đã thử tên lửa tầm ngắn ở bờ biển phía đông nhưng quân đội miền Nam từ chối bình luận.
Các sự kiện lớn dưới thời ông Kim Jong-il
1998: CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên. 2000: Ông Kim có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung tại Bình Nhưỡng, mở ra triển vọng mới cho quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây khiến căng thẳng lại dâng cao. 2002: Mỹ cáo buộc CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. 2003: CHDCND Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đàm phán 6 bên bắt đầu vào tháng 8. 2006: Lần thử hạt nhân đầu tiên. 2009: CHDCND Triều Tiên rút khỏi vòng đàm phán 6 bên và thử hạt nhân lần 2. 2010: Vào tháng 3, CHDCND Triều Tiên bị cáo buộc bắn chìm tàu Hàn Quốc, khiến 46 người thiệt mạng. Ngày 23.11, hai miền Triều Tiên đọ pháo, 4 người chết. 2011: Có dấu hiệu đàm phán 6 bên sẽ được nối lại nhưng nay có thể bị ảnh hưởng sau khi ông Kim Jong-il từ trần. (Theo AFP) |
Văn Khoa
Bình luận (0)