Theo tường thuật của hãng thông tấn KCNA ngày 10.1, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gọi Hàn Quốc là "kẻ thù chính", nói rằng ưu tiên của Triều Tiên trước hết là "tăng cường khả năng quân sự để tự vệ và răn đe chống lại chiến tranh hạt nhân".
"Nếu Hàn Quốc dám cố gắng sử dụng lực lượng vũ trang chống lại Triều Tiên hoặc đe dọa chủ quyền, an ninh của chúng tôi, chúng tôi sẽ không ngần ngại tiêu diệt Hàn Quốc bằng cách huy động mọi phương tiện và lực lượng trong tay", KCNA dẫn lời ông Kim.
Lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng tấn công Hàn Quốc nếu bị đe dọa
Ông Kim nói rằng mặc dù Bình Nhưỡng sẽ không "đơn phương" gây ra một cuộc đối đầu, nhưng họ "cũng không có ý định tránh né một cuộc chiến tranh", theo KCNA. Ông Kim cũng cho rằng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai miền Triều Tiên là "thực tế không thể tránh khỏi".
KCNA cho biết ông Kim, cùng với các quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền và quân đội Triều Tiên, đã có chuyến thị sát nhiều nhà máy sản xuất vũ khí trong hai ngày 8-9.1. Chuyến thị sát là hoạt động nhằm khích lệ tinh thần các công nhân sản xuất vũ khí "trong cuộc đấu tranh để hoàn thành mục tiêu to lớn về sản lượng trong năm mới", theo bản tin.
Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đã leo thang mạnh mẽ kể từ năm ngoái sau khi ông Kim xác lập vị thế cường quốc hạt nhân của nước này trong hiến pháp và thử nghiệm một số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến. Một thỏa thuận được ký giữa hai nước vào năm 2018, nhằm giảm thiểu căng thẳng quân sự, cũng đã bị vô hiệu hóa.
Mỹ và hàng chục đồng minh, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, cáo buộc Triều Tiên vi phạm nhiều lệnh trừng phạt quốc tế với việc cung cấp vũ khí cho Nga sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận cáo buộc này.
Trong diễn biến mới nhất, Washington và các đối tác hôm 9.1 đã đưa ra tuyên bố chung lên án giao dịch vũ khí giữa Triều Tiên và Nga, bao gồm việc mà họ cho là Nga đã mua tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và sử dụng chúng ở Ukraine vào các ngày 30.12.2023 và 2.1.
Hàn Quốc tố Triều Tiên dùng Ukraine làm "bãi thử tên lửa"
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những tác động an ninh mà sự hợp tác này mang lại ở châu Âu, trên bán đảo Triều Tiên, khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới", Reuters trích dẫn tuyên bố được ký bởi Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Úc, Đức, Canada và gần 40 quốc gia khác.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 9.1 từ chối bình luận về tuyên bố này.
Tuần trước, Nhà Trắng tuyên bố Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) có nguồn gốc từ Triều Tiên để tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào Ukraine, trích dẫn thông tin tình báo mới được giải mật.
Bình luận (0)