Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tại Singapore hôm 7.11 được cho là động thái “bắc cầu” tích cực, dù có nhiều chống đối.
Ông Tập Cận Bình (phải) bắt tay ông Mã Anh Cửu trước cuộc gặp tại khách sạn Shangri-La -Ảnh: AFP |
Cuộc gặp thượng đỉnh “lịch sử” sau 66 năm, kể từ khi cuộc nội chiến ở Hoa lục kết thúc với thắng lợi của Đảng Cộng sản năm 1949, gây bất ngờ và quan tâm lớn đối với người dân hai bờ eo biển Đài Loan lẫn cộng đồng quốc tế. Trước đó, năm 2011, ông Mã từng tuyên bố trong thời gian đương chức, ông sẽ không gặp một vị chủ tịch nào của Trung Quốc, trừ khi quá cần thiết hoặc được sự ủng hộ của công chúng.
Thông tin về cuộc gặp ngày 7.11 được Đài Bắc loan ra đêm 3.11 và Bộ Ngoại giao Singapore trong vai trò trung gian xác nhận ngày 4.11 khiến báo giới chộn rộn. Cả trăm phóng viên từ Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản... đã tức tốc đến Singapore, bao vây khách sạn Shangri-La, nơi hai nhà lãnh đạo gặp nhau, từ hơn một ngày trước.
“Anh em”, “đồng chí”
|
Phát biểu trước báo giới hôm 5.11, ông Mã nói: “Cuộc gặp không phải vì bầu cử sắp tới, mà vì lợi ích của thế hệ tiếp theo. Tôi thấy mình có nghĩa vụ bắc cầu nối đôi bên, để ai lãnh đạo Đài Loan sau này cũng có thể dùng nó mà đến với bên kia”. Một mục tiêu khác nữa của ông Mã trong cuộc gặp này là đề nghị Bắc Kinh nới rộng không gian chính trị quốc tế cho Đài Bắc.
Tại Singapore chiều qua 7.11, cuộc gặp lịch sử diễn ra trong không khí hồ hởi. Trước hàng trăm ống kính, hai ông Tập - Mã bắt tay nhau thật chặt đến 70 giây. Trong phát biểu mở đầu cuộc gặp, ông Tập gọi ông Mã là “người anh em”, “đồng chí” và nói rằng Hoa, Đài là “một gia đình”. Phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp, ông Mã cho biết Đài Loan tôn trọng lập trường “Một Trung Hoa” nhưng đề nghị Bắc Kinh “chân thành”, hai bên duy trì tình trạng hiện tại như thỏa thuận mà chính quyền KMT lập ra cùng Bắc Kinh năm 1992, lập ra đường dây nóng để giải quyết các vấn đề nảy sinh và tiếp tục gặp gỡ thường xuyên hơn.
Nhượng bộ
Nhà báo Lục Tâm Hối của Thông tấn xã Đài Loan nói với Thanh Niên rằng cá nhân bà ủng hộ cuộc gặp bởi nó giúp “bình thường hóa việc gặp nhau giữa lãnh đạo hai bên” chứ không có tác dụng tăng uy tín cho KMT trong cuộc bầu cử tới. Bà Lục phân tích: “Bắc Kinh rất khó chịu với DPP và sẽ không muốn gặp bà Thái nếu bà trở thành lãnh đạo Đài Loan. Cuộc gặp Tập - Mã giải tỏa được điều đó”.
Về phía Bắc Kinh, cựu nhà báo Singapore Chin Kah Chong nhận định với Thanh Niên rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhượng bộ khi chấp nhận gặp ông Mã. “Bây giờ, ông Tập đi đến đâu cũng được các lãnh đạo cao nhất tiếp đón long trọng. Trong khi đó, Đài Loan không có độc lập, kinh tế xứ Đài gần đây cũng đi xuống”, cựu nhà báo am tường về Hoa lục phân tích. Tuy nhiên, theo ông Chin, Bắc Kinh nhận thấy sự cấp thiết phải tiến gần Đài Loan bởi “người Đài, kể cả những người rất già, trở nên hết sức xa cách với đại lục” và “nỗ lực 7 năm gắn bó với chính quyền KMT sẽ vuột mất nếu không kịp bắc cầu đến với DPP”. Ngoài ra, việc ông Tập đồng ý gặp ông Mã ở một quốc gia thứ 3 coi như đã “quốc tế hóa các mối quan hệ của Đài Loan”. Bà Lục cũng đồng tình với các nhận định của ông Chin, nhưng bà nói “phải suy nghĩ lại” về việc ông Mã chấp nhận chính sách “Một Trung Hoa”.
Bình luận (0)