Lãnh tụ tối cao Iran nói 'một người Mỹ ở Iraq cũng là quá nhiều'

Khánh Như
Khánh Như
30/04/2023 09:23 GMT+7

Đó là điều Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã nói với Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid khi hai người gặp nhau tại Tehran.

Hãng tin Reuters ngày 30.4 đưa tin Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã nói với Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid rằng sự hiện diện của “ngay cả một người Mỹ ở Iraq cũng là quá nhiều”.

Cụ thể, trong cuộc gặp ngày 29.4 tại Tehran, ông Khamenei nói rằng Mỹ "không đáng tin cậy" và Iraq không nên cho phép bất kỳ binh sĩ Mỹ nào hiện diện trên lãnh thổ mình.

Lãnh đạo tối cao Iran: 'Một người Mỹ ở Iraq cũng là quá nhiều' - Ảnh 1.

Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid và Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong cuộc gặp tại Tehran ngày 29.4

TRANG WEB CHÍNH THỨC CỦA ÔNG AYATOLLAH ALI KHAMENEI

Ông Khamenei nói người Mỹ không phải bạn của Iraq nên "ngay cả sự hiện diện của một người Mỹ ở Iraq cũng là quá nhiều".

Đáp lại phát biểu trên, Tổng thống Iraq Rashid không đề cập quan hệ Iraq - Mỹ, thay vào đó, ông nói rằng "nỗ lực chính của Iraq là làm sâu sắc thêm quan hệ với Iran và giải quyết một số vấn đề còn tồn tại giữa hai nước".

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Rashid tới Iran với tư cách là nguyên thủ quốc gia kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái. 

20 năm sau khi đưa quân vào Iraq, Mỹ chật vật với hậu quả

Trước đó vào cùng ngày, Tổng thống Iraq đã có cuộc hội đàm cấp phái đoàn với người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi, theo hãng tin Al Jazeera.

Ông Raisi cũng nói rằng Iran coi sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài trong khu vực là nguồn gốc của sự bất ổn. Theo ông, quan hệ Iran - Iraq được thiết lập dựa trên lợi ích chung, trong khi "Mỹ nghĩ về lợi ích của họ chứ không phải của các nước trong khu vực".

Hiện Mỹ duy trì khoảng 2.500 binh sĩ ở Iraq để cố vấn và hỗ trợ quân đội địa phương trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Iran, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Iraq, phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ, cho rằng sự can thiệp quân sự của phương Tây là gốc rễ của tình trạng mất an ninh trong khu vực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.