Lào Cai: Vì sao Chủ tịch UBND H.Mường Khương bị bắt giam?

05/08/2023 18:41 GMT+7

Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND H.Mường Khương (Lào Cai), vừa bị Công an tỉnh Lào Cai ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Hôm qua 4.8, Công an tỉnh Lào Cai phát đi thông cáo về việc khởi tố, bắt tạm giam bị can Lê Ngọc Dương về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đây là diễn biến tố tụng mới nhất liên quan đến vụ án khai thác trái phép hàng triệu tấn quặng xảy ra trên địa bàn Lào Cai, hàng loạt cựu quan chức tỉnh này đã vướng lao lý.

Lào Cai: Vì sao Chủ tịch UBND H.Mường Khương bị bắt giam? - Ảnh 1.

Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND H.Mường Khương, bị bắt giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ

Bị bắt vì sai phạm cách đây hơn 10 năm

Theo tìm hiểu, ông Lê Ngọc Dương bị bắt giam vì liên quan đến vụ khai thác quặng trái phép của Công ty Lilama, với những sai phạm xảy ra cách đây đã hơn 10 năm. Thời điểm ấy, ông Dương còn là Trưởng phòng Quản lý khoáng sản rồi Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai.

Kết luận điều tra ban hành hồi tháng 7 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai cho thấy, năm 2009, Công ty Lilama được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn tại thôn 2 (xã Đồng Tuyển, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai), trên phần diện tích đất rộng 3,77 ha.

Bắt giam Chủ tịch UBND huyện Mường Khương ở Lào Cai

Giai đoạn 2012 - 2015, Công ty Lilama do ông Nguyễn Mạnh Thừa làm giám đốc, đã khai thác thuê cho Công ty Apatit Việt Nam và trực tiếp khai thác hơn 1,5 triệu tấn quặng apatit, trị giá hơn 610 tỉ đồng. Qua đó, Công ty Lilama thu về hơn 484 tỉ đồng, Công ty Apatit Việt Nam cũng hưởng lợi hơn 184 tỉ đồng.

Việc khai thác quặng diễn ra trong thời gian dài, Công ty Lilama không có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác khoáng sản, cũng không có giấy phép khai thác khoáng sản, vì vậy số quặng trên bị xác định là khai thác trái phép.

Để sai phạm của Công ty Lilama có thể xảy ra, cơ quan công an xác định, chính quyền tỉnh Lào Cai đã có hàng loạt văn bản ban hành không đúng quy định. Hành vi này giúp Công ty Lilama "đường đường chính chính" khai thác khoáng sản dưới "vỏ bọc" dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn.

Lào Cai: Vì sao Chủ tịch UBND H.Mường Khương bị bắt giam? - Ảnh 2.

Một điểm khai thác khoáng sản tại xã Đồng Tuyển do Công ty Lilama thực hiện vào tháng 8.2013

CTV

Chịu trách nhiệm cho sự "tiếp tay" vừa nêu, hàng loạt cựu quan chức cấp cao của Lào Cai đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong đó, có ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Dương và Lê Ngọc Hưng là 2 cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh. Mới đây nhất là ông Lê Ngọc Dương.

Khi vụ án diễn ra, với cương vị là Trưởng phòng Quản lý khoáng sản rồi Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai, ông Dương là người đã trực tiếp kiểm tra hồ sơ dự án nhà hàng, khách sạn của Công ty Lilama, tham mưu soạn thảo trình cấp trên hoặc trực tiếp ký một số văn bản mà sau này xác định là một phần nguyên nhân dẫn tới sai phạm.

Xem nhanh 20h: Bắt giam Chủ tịch UBND huyện Mường Khương

Liên quan gì tới phi vụ triệu tấn quặng trái phép?

Tháng 9.2009, ông Lê Ngọc Dương cùng lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Lào Cai và Công ty Apatit Việt Nam kiểm tra hồ sơ dự án nhà hàng, khách sạn của Công ty Lilama. Nhận thấy dự án chồng lấn với khai trường apatit, 2 đơn vị này đề nghị Công ty Lilama tạm dừng thực hiện dự án. Đến đầu năm 2010, Công ty Lilama bị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Tháng 3.2012, tiếp nhận khu đất 3,77 ha, Công ty Apatit Việt Nam có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai cho phép khai thác phần quặng lộ thiên. Dù thẩm quyền cấp phép phải do Bộ TN-MT, nhưng ông Dương đã tham mưu lãnh đạo sở TN-MT ký văn bản, đề xuất UBND tỉnh giao Công ty Apatit cải tạo mặt bằng khu mỏ, nếu có khoáng sản kèm theo thì được thu hồi để quản lý, sử dụng. Từ đó, UBND tỉnh Lào Cai đồng ý đề xuất của Công ty Apatit Việt Nam.

Được "bật đèn xanh", Công ty Apatit Việt Nam thuê Công ty Lilama cải tạo mặt bằng kết hợp thu hồi khoáng sản lộ thiên. Giai đoạn này, số lượng apatit bị khai thác trái phép được xác định là hơn 167.000 tấn.

Lào Cai: Vì sao Chủ tịch UBND H.Mường Khương bị bắt giam? - Ảnh 3.

2 bị can khác trong vụ án là ông Nguyễn Văn Vịnh (phải), cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai và ông Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

BÁO LÀO CAI/LAOCAI TV

Tháng 2.2013, Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc UBND tỉnh giao cho Công ty Apatit Việt Nam, Công ty Apatit Việt Nam giao cho Công ty Lilama tận thu khoáng sản là không đúng thẩm quyền, trái quy định.

UBND tỉnh Lào Cai giao sở TN-MT báo cáo về nội dung trên. Ông Dương lúc này là Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai, ký văn bản giải trình việc cho phép san gạt, cải tạo nhằm đưa mặt bằng dự án về trạng thái an toàn. UBND tỉnh sau đó giải trình kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, khẳng định việc làm của mình là đúng trách nhiệm.

Tháng 4.2013, Công ty Lilama được cấp lại giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng nhà hàng, khách sạn tại khu vực 3,77 ha, đưa máy móc vào san gạt mặt bằng. Công ty phát hiện dấu hiệu khoáng sản nên đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan lấy mẫu phân tích, nếu đúng là khoáng sản thì cho công ty thu gom.

Một tháng sau, sau khi kiểm tra thực địa, ông Dương ký văn bản báo cáo UBND tỉnh, đề xuất quá trình san gạt nếu phát hiện quặng thì giao cho Công ty Lilama gom lại, thống nhất với Công ty Apatit Việt Nam về phương án tập kết, sử dụng.

Đề xuất trên của sở TN-MT được UBND tỉnh Lào Cai thông qua. Đây cũng là một trong những "bước đệm" cuối cùng giúp Công ty Lilama trực tiếp khai thác trái phép gần 1,4 triệu tấn quặng apatit, dưới "vỏ bọc" đầu tư dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.