Cơ sở nuôi nhím của bà Liễu đang gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm - Ảnh: Trung Chuyên
Nghề nuôi nai cầm chừng do thị trường ế ẩm - Ảnh: Trung Chuyên |
Bỏ thì thương…
“Chưa bao giờ nghề nuôi nhím lại căng thẳng vì bí đầu ra như hiện nay. Thời kỳ phát triển nóng sốt đã qua, nay thị trường tiêu thụ theo kiểu “nhỏ giọt” khiến người nuôi lâm cảnh lao đao”, bà Vi Thị Thanh Liễu, chủ cơ sở nuôi nhím quy mô lớn ở khối 8, P.Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, thốt lên như vậy. Cách đây chừng 5 năm, nuôi nhím “chuồng nhỏ, lãi to” gặp thời, bà Liễu không đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường. Khách hàng trong và ngoài tỉnh chầu chực đặt mua nhím giống vài tháng mới có hàng, mỗi cặp nhím nhỏ xíu có giá bán hơn cả bò giống (khoảng 10-15 triệu đồng). Ấy vậy mà giờ đây nhu cầu mua con giống gần như ngưng hẳn, nhím con đẻ ra không bán được phải nằm lại chuồng nuôi làm nhím thịt. Nhưng cầu vẫn thấp hơn cung, tiêu thụ chậm, đàn nhím ngày càng nhiều, chuồng trại trở nên chật hẹp. Hiện cơ sở này có hơn 400 con nhím, mỗi ô chuồng hơn 1 m2 trước kia nuôi 2-3 con nay phải bố trí 5-6 con. Bà Liễu cho biết giá nhím thịt xuống thấp hơn một nửa so với trước đây (chỉ còn 200.000 - 250.000 đồng/kg hơi) nhưng vẫn không bán được nhiều, trong khi mỗi ngày phải chi phí thức ăn tiền triệu cho số vật nuôi này.
Tương tự, làng nuôi nai truyền thống ở xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột cũng lâm cảnh ế ẩm. Số nai nuôi ở đây hiện hơn 2.300 con, trong đó hơn một nửa là nai đực cho nhung. Mỗi năm một con nai cho khoảng 7-8 kg nhung tươi, tổng cộng cả vùng có gần 10 tấn nhung nai. Theo bà Lê Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Êbur, những năm trước mỗi ký nhung nai có giá từ 5-8 triệu đồng, nay rớt còn 2-3 triệu nhưng tiêu thụ hết sức khó khăn. Số nai giống xuất bán cũng giảm; thống kê 6 tháng cuối năm 2012 cả xã bán 32 con thì gần hết năm 2013 chỉ bán được 28 con. Bà Hương chia sẻ: “Có một hợp tác xã trong vùng chuyên tiêu thụ nhung nai nhưng không hiệu quả phải nghỉ kinh doanh. Thời điểm hiện nay tính ra nuôi nai là lỗ nhưng bà con không đành bỏ nghề”. Bà Hương nhận định nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD. Nhung nai vốn được xem là mặt hàng “xa xỉ” trước đây thường được mua bán để làm thực phẩm bổ dưỡng cao cấp, hoặc làm quà biếu xén, nhưng nay nhu cầu này giảm thấp nên tác động ngược đến người chăn nuôi.
Loay hoay tự “bơi”
Khoảng 5 năm trước đây, nghề nuôi ĐVHD ở Đắk Lắk bước vào thời điểm cực thịnh, số người nuôi tăng lên nhanh chóng. Trong năm 2011, theo thống kê của Sở NN-PTNT Đắk Lắk, toàn tỉnh có 448 trang trại lớn nhỏ nuôi heo rừng, nhím, chồn, nai, gấu, rắn, kỳ đà, dúi… Tuy nhiên, nhiều người cho rằng số trang trại nhỏ kiểu hộ gia đình hiện đã giảm nhiều do nuôi ít, không có lãi; còn các trang trại lớn thì nuôi cầm chừng. Trước tình cảnh thị trường ảm đạm, nhiều cơ sở nuôi ĐVHD phải bươn bả tìm cách tồn tại. Ở làng nai Cư Êbur, các hộ thu hoạch nhung nai tươi không bán được đành sấy khô, cất tủ lạnh chờ cơ hội giá lên. Một số trang trại nuôi heo rừng ở Buôn Ma Thuột thì mở thêm quán nhậu với nguyên liệu có sẵn, hoặc cung cấp thịt heo rừng thành phẩm. Các cơ sở nuôi nhím như của bà Liễu cũng phải chi phí quảng bá sản phẩm, xẻ thịt, chế biến theo nhu cầu và đưa đến tận tay khách hàng để thúc đẩy tiêu thụ vật nuôi…
Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, cho rằng hiện nghề nuôi ĐVHD gặp khó trên diện rộng do cung lớn hơn cầu, người tiêu dùng các loại vật nuôi “đặc sản” này còn hạn chế. “Trước đây, từ một số mô hình thành công, việc nuôi ĐVHD của nhiều nông dân chạy theo phong trào, không lường trước khả năng tiêu thụ của thị trường. Trên thực tế, các cấp hội nông dân không khuyến khích và cũng không ngăn cản việc phát triển nghề nuôi ĐVHD tự phát. Việc duy trì nuôi các loài ĐVHD hầu như do thị trường quyết định, khó có đơn vị, tổ chức nào can thiệp để tạo đầu ra hoàn hảo cho những sản phẩm đặc thù này”, ông Xuân nhận định.
Trung Chuyên
Bình luận (0)