Đường Huyền Trân Công Chúa (tại quận 1, TP.HCM) là nơi bán đồ thể thao nổi tiếng tại TP.HCM. Con đường rất ngắn nhưng các cửa hàng bán đồ thể thao san sát nhau trên một đoạn đường chỉ vài chục mét.
Tuy nhiên, một tháng trở lại đây phía trước những cửa hàng thể thao ở đây lại toàn những bảng giảm giá xả hàng lên tới 70%. Một số cửa hàng thậm chí đã tháo dỡ, thanh lý thiết bị nội thất. Điều này không phải do ế ẩm mà xuất phát từ việc họ không thể tiếp tục ký hợp đồng thuê mặt bằng.
Lao đao vì ‘phố đồ thể thao’ Huyền Trân Công Chúa sắp biến mất
Giá nào cũng bán
Buôn bán ở khu vực này hơn 30 năm, nay bất ngờ nhận thông báo của Trung tâm Thể dục thể thao quận 1 về việc ngừng cho thuê mặt bằng nên bà Trần Thị Tuyết cũng như nhiều chủ cửa hàng ở đây rơi vào tình cảnh khó khăn, trở tay không kịp.
"Sau dịch Covid-19 thì gặp khó khăn, dần dần ổn định thì giờ phải trả mặt bằng. Nhiều người phải bán nhà để theo đuổi một cái quầy nhưng bây giờ phải nghỉ thì cũng trắng tay luôn", bà Tuyết chia sẻ.
Bà Trần Thị Tuyết cho biết sau khi phải trả mặt bằng thì hàng hóa còn tồn đọng nhiều nên các hộ kinh doanh phải đổ đống ra vỉa hè bán rẻ.
"Giá nào cũng bán, nhiều người không có chỗ để chứa hàng cho nên bắt buộc phải xử lý, phải bán", bà Tuyết than thở.
Theo người dân nhiều năm buôn bán ở đây thì con đường này đã có nhiều thay đổi từ khi những cửa hàng bán đồ thể thao. Chính những chủ cửa hàng sau khi thuê được mặt bằng cũng bỏ tiền để xây dựng quán xá, sắm sửa trang thiết bị để làm thay đổi diện mạo của khu vực này.
"Trước đây khu vực này rất vắng vẻ, trước đây hay xảy ra tình trạng cướp giật, mại dâm rồi hút chích. Nhưng mà khi chúng tôi có ở đây rồi thì tình trạng đó không còn nữa nên chúng tôi chúng tôi cũng góp phần giữ gìn trật tự cho khu phố này", bà Trần Thị Thu, một chủ cửa hàng chia sẻ.
Xem nhanh 12h ngày 3.8: Lại sụt lún đất nghiêm trọng ở Lâm Đồng | ‘Phố đồ thể thao' sắp biến mất
Lâu nay, những chủ cửa hàng ở đây đã quen với việc "buôn có bạn bán có phường". Điều này không chỉ thuận lợi cho người bán mà cả với những người mua. Vì vậy, việc thay đổi địa điểm tìm mặt bằng mới để kinh doanh đối với họ là một điều không hề dễ dàng.
"Mặc dù chúng tôi biết Trung tâm thể thao quận 1 rất là hỗ trợ chúng tôi về mặt muốn ổn định cho chúng tôi nhưng vì đây là chính sách chung cho nên trung tâm không thể nào làm khác được. Chúng tôi mong rằng ban lãnh đạo quận và thành phố sớm xét duyệt để chúng tôi quay trở lại kinh doanh những mặt hàng thể thao này", bà Trần Thị Thu chia sẻ.
Trong khi đó, bà Trần Thị Tuyết bày tỏ: "Nguyện vọng của mình là sau này có tái tạo lại thì phải ưu tiên cho những người kinh doanh ở đây ký tiếp".
Một số cửa hàng đã tháo dỡ, thanh lý thiết bị nội thất và hàng hóa
Nguyễn Anh
Nhiều sai phạm sau thanh tra
Trước đó, liên quan đến việc cho thuê mặt bằng của Trung tâm thể dục thể thao quận 1, kết luận thanh tra của UBND quận 1 đã chỉ ra nhiều sai phạm.
Cụ thể, trong năm 2021, trung tâm thu hơn 8,4 tỉ đồng, chi hơn 16 tỉ đồng. Qua thanh tra, trung tâm có các khoản thu từ hoạt động khai thác sử dụng mặt bằng vào mục đích cho thuê nhưng không báo cáo trung thực, khách quan về nội dung và giá trị số liệu kế toán cho UBND quận 1 và đoàn thanh tra.
Về chứng từ kế toán, từ năm 2018 đến nay được Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch trung tâm lập phiếu thu và biên nhận viết tay khi thu tiền cho thuê mặt bằng, tiền điện, nước sinh hoạt và để ngoài sổ sách kế toán.
Căn cứ theo hồ sơ giải trình của các cá nhân liên quan và tài liệu thu thập, đoàn thanh tra ghi nhận từ năm 2018 đến tháng 7.2022, tổng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê 32 vị trí mặt bằng tạm tính là hơn 18 tỉ đồng, trong đó hơn 6 tỉ đồng được nộp và hạch toán, còn lại khoảng 12,5 tỉ đồng để ngoài sổ sách kế toán.
Bình luận (0)