Lao đao vì trăn rớt giá

20/06/2014 08:56 GMT+7

Người nuôi trăn ở ĐBSCL đang có nguy cơ thua lỗ vì giá trăn bất ngờ giảm mạnh.

Lao đao vì trăn rớt giá
Ông Thái Vinh Thai và con trăn giống sắp đẻ - Ảnh: Thiên Lộc

Phát triển tràn lan

Phong trào nuôi trăn ở ĐBSCL bắt đầu phát triển từ những năm 1980. Đến năm 1990, nghề này trở nên bấp bênh do đầu ra không ổn định, giá cả sụt giảm khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ. Từ năm 2008 đến nay, khi ngành kiểm lâm cấp phép cho người nuôi trăn thì việc vận chuyển, mua bán dễ dàng hơn, thị trường nhộn nhịp trở lại và giá cả cũng bắt đầu tăng nhờ da trăn được xuất khẩu sang một số nước châu u, châu Á… Nhưng bước sang năm 2014, nhất là từ đầu tháng 6 đến nay, giá trăn liên tục sụt giảm khiến người nuôi lao đao.

Ông Hoàng Tuấn (ngụ xã Mỹ Khánh, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) cho biết cách đây 2 năm, giá trăn luôn ở mức cao nên số hộ nuôi trăn ở các tỉnh thành Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp… tăng lên đáng kể. Trại nuôi của gia đình ông thường xuyên có trên 3 tấn trăn giống và trăn thịt. Ngoài ra, ông Tuấn còn thu mua mỗi năm từ 10 - 15 tấn trăn thương phẩm  để cung cấp cho các cơ sở lấy da xuất khẩu.

Theo các hộ nuôi trăn, vào thời điểm trăn có giá, trăn giống từ 100 - 150 gr, sau 1 năm chăm sóc có thể cân nặng 6 kg (loại 1), khi bán ra người nuôi lời khoảng 1 triệu đồng. Với diện tích 15 m2, thả nuôi 30 con trăn, tính ra lời khoảng 30 triệu đồng/năm, cao hơn các loài gia súc gia cầm khác. Tuy nhiên, hiện nay, trăn thương phẩm (loại 1) đang được thương lái thu mua chỉ từ 240.000 - 260.000 đồng/kg, giảm khoảng 60.000 đồng/kg so với năm 2013; riêng trăn loại 2, loại 3 giá càng xuống thấp hơn. Với mức giá này, người nuôi trăn có nguy cơ thua lỗ.

Sở dĩ giá trăn giảm là do số hộ nuôi tự phát tràn lan, không theo quy hoạch. Nhiều địa phương có tới 200 hộ trong cùng một ấp vừa nuôi nhỏ lẻ vừa nuôi quy mô lớn, điển hình là ấp Xẻo Vông C (xã Hiệp Lợi, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang). “Người nuôi nhiều, sản lượng tăng mà không ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm, phần lớn chỉ bán qua trung gian hoặc thương lái nên khó tránh khỏi tình trạng tranh mua tranh bán và ép giá”, ông  Tuấn nói.

Lao đao vì trăn rớt giá
Trăn chuẩn bị lột lấy da - Ảnh: Thiên Lộc

Xuất khẩu da gặp khó

Người nuôi trăn lấy da xuất khẩu cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh không kém. Ông Thái Vinh Thai, chủ trang trại Hồng Quang (thị trấn Tri Tôn, H.Tri Tôn, An Giang) cho biết trước đây, trại của ông lúc nào cũng có trên 1.500 con trăn vàng và trăn đất đủ cỡ, bình quân mỗi tháng lột và sơ chế 200 - 300 tấm da để giao cho các công ty xuất khẩu. Gần đây, một số nước châu u đã tạm thời ngưng nhập hàng khiến giá da trăn xuất khẩu giảm từ 630.000 đồng/mét dài xuống còn 570.000 đồng/mét dài và khâu tiêu thụ cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều năm qua, nuôi trăn lấy da xuất khẩu là một trong những mô hình mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Trăn nuôi ít bị dịch bệnh, công chăm sóc nhẹ và không cần đến diện tích lớn. Tuy nhiên, nếu trăn cứ tiếp tục rớt giá, người nuôi chưa biết sẽ giải quyết ra sao. “Hy vọng đây chỉ là sự bất ổn tạm thời. Một khi các nước trên thế giới nhập da trăn lại bình thường, người nuôi sẽ an tâm, không còn phập phồng lo sợ nữa”, ông Thai nói.

Thiên Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.