Lao động chuyên môn cao cũng có thể bị mất việc

Hà Ánh
Hà Ánh
24/11/2018 10:43 GMT+7

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động cả đến những công việc đòi hỏi chuyên môn cao như luật sư, các nhà phân tích tài chính, bác sĩ, nhà báo, kế toán...

Nội dung này được nêu ra tại hội thảo khoa học quốc gia “Nhu cầu nhân lực cho phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những đáp ứng của giáo dục ĐH VN” do Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ GD-ĐT) phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức sáng 23.11.
Bác sĩ, nhà báo, luật sư cũng bị tác động
Trong bài tham luận của mình, thạc sĩ Nguyễn Thế Hà, Phó giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH) dự báo tỷ lệ lao động giản đơn giảm nhanh hơn, đến 2020 còn 23,8% và tiếp tục giảm còn 15% (2025) và 8,8% (2030). Ngược lại, sẽ tăng tỷ trọng nhóm lao động chuyên môn bậc cao lên 9,5% (2020); 11,6% (2025) và 13,5 (2030). Bên cạnh đó, cũng tăng nhóm lao động nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bán hàng có kỹ thuật, thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị…
Về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường lao động VN, thạc sĩ Hà cho rằng, trước hết là sự tác động đến số lượng, chất lượng việc làm thông qua sự thay thế lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin với một số ngành nghề đang diễn ra nhanh chóng.
“Đồng thời cũng làm thay đổi bản chất việc làm, một số công việc biến mất và tạo ra nhiều công việc mới. Khi đó, không phải chỉ những công việc nặng nhọc mà cả những việc đòi hỏi chuyên môn cao như luật sư, nhà phân tích tài chính, bác sĩ, nhà báo, kế toán… có thể được tự động hóa một phần hoặc hoàn toàn”, thạc sĩ Hà nhấn mạnh.
Áp lực lớn để thích ứng
Theo PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhân lực phục vụ 4.0 gồm 2 nhóm: những người làm chủ, dẫn dắt để góp phần tạo ra tri thức khoa học; phần lớn những người còn lại phải có khả năng ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất và cả những người biết cách sử dụng để không trở thành “tị nạn” công nghệ.
Riêng ngành y, ngay cả với việc ứng dụng công nghệ thì nhân lực cũng chưa sẵn sàng thích nghi.
Thạc sĩ Hà cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị tốt, cuộc cách mạng này có thể khiến VN mất việc làm ở một số ngành nghề, thậm chí thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử… Trong đó, theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, có đến 86% lao động các ngành dệt may và giày dép của VN có nguy cơ bị mất việc.
Tiến sĩ Bùi Trung Hải, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng tỏ ra lo ngại khi nhìn thực trạng lao động của VN hiện nay. Trong số hơn 50% lao động có chuyên môn kỹ thuật nhưng số người có bằng cấp chỉ đạt 20%. Trong số những người thất nghiệp, tỷ lệ cao nhất thuộc về nhóm lao động có tay nghề và lứa tuổi thanh niên. “Tỷ lệ lao động làm việc bậc cao của chúng ta không cao, bậc trung rất thấp trong khi đây là lực lượng dễ dàng đào tạo tiếp cận công nghệ mới. Còn lao động giản đơn rất dễ bị thay thế bởi máy móc thì chúng ta lại đang rất cao. Nên bức tranh lao động đang gặp những vấn đề với nhiều áp lực lớn trong thích ứng với cuộc cách mạng này”, ông Hải lo lắng.
Nhân lực ngành nào cũng có vấn đề
Yêu cầu đặt ra rất lớn nhưng theo các chuyên gia, thực trạng nguồn nhân lực hiện nay ở VN đang có vấn đề ở nhiều lĩnh vực.
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Danh, Khoa Quản trị kinh doanh Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, nhìn nhận đội ngũ nhân sự ngành nhà hàng và khách sạn có kiến thức chuyên môn nhưng chỉ trên lý thuyết. Họ chưa tự tin trong môi trường làm việc quốc tế, làm việc thiếu chuyên nghiệp, tính kỷ luật lao động kém, thái độ phục vụ chưa chu đáo, kỹ năng giao tiếp chưa tốt… “Đáng lưu ý, một số sinh viên tốt nghiệp ĐH ngành này lại có tâm lý không chịu làm nhân viên mà muốn làm ở những vị trí quản lý”, thạc sĩ Danh nhấn mạnh.
Cũng theo thạc sĩ Danh, theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM năm 2017, cho thấy có tới 70 - 80% nhân viên lễ tân nhà hàng, khách sạn không đạt chuẩn ngoại ngữ. Trong khi các khách sạn 4, 5 sao đạt chuẩn quốc tế hiện nay thì lao động VN chỉ đảm nhận các vị trí như cấp nhân viên, còn các vị trí giám sát, quản lý đã thuộc về lao động nước ngoài mà chủ yếu là Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…
Dù khẳng định robot không thể thay thế được giáo viên mầm non nhưng PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, vẫn cho rằng còn nhiều vấn đề tồn tại trong đào tạo và việc làm nhân lực ngành này. Theo bà Kim Anh, mặc dù tỷ lệ 100% sinh viên chuyên ngành giáo dục mầm non tốt nghiệp có việc làm nhưng chỉ khoảng 45% sinh viên có thể làm việc được ngay, còn lại phải đào tạo bổ sung. “Điều này xảy ra do chương trình đạo tạo xây dựng chưa linh hoạt, nội dung xây dựng chưa phù hợp với nhu cầu và thị trường lao động. Hệ quả là đang có khoảng cách quá xa giữa đào tạo tại các trường ĐH và CĐ, kể cả trường TC so với thực tế nhu cầu sử dụng trong thực tế”, bà Kim Anh lý giải.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Hà nhìn nhận, nhiều nước phát triển trên thế giới đã có chính sách ưu tiên rõ rệt cho các ngành khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán thì ở VN không có định hướng rõ nét. Dẫn đến tình trạng sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng…
Từ đó, thạc sĩ Hà cho rằng đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, trong 3 năm gần đây công việc ngành công nghệ thông tin đã tăng trung bình 47% mỗi năm nhưng số lượng nhân sự chỉ tăng 8%.
28% sinh viên có nguy cơ bỏ học khi tăng học phí
Trong bài tham luận của mình, PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân, Khoa Kế hoạch và phát triển Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đã công bố kết quả cuộc điều tra về tác động của học phí với người học. Cụ thể, 28% sinh viên có nguy cơ phải bỏ học khi tăng học phí. Trên một nửa số hộ gia đình được hỏi cho biết họ phải cho con đi làm thêm do học phí cao, riêng nhóm nghèo nhất phải làm thêm nhiều nhất (79%).
Cũng theo kết quả này, có tới 37% số hộ gia đình sẽ không thể đảm bảo kinh phí cho con đi học ĐH. Giải pháp với các gia đình này là chọn trường có mức học phí thấp hơn hoặc đi vay tiền cho con học, cho con đi làm thêm khi đi học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.