Lao động có tay nghề 'rộng cửa' sang Nhật

Thu Hằng
Thu Hằng
04/07/2019 09:33 GMT+7

Sau nhiều vòng đàm phán, dự kiến đầu tháng 7, VN và Nhật Bản sẽ ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác về lao động kỹ năng đặc định (lao động kỹ năng có tay nghề). Đây là cơ hội cho lao động VN có tay nghề sang Nhật làm việc lâu dài với mức thu nhập tốt.

Theo ông Phạm Viết Hương, chương trình lao động kỹ năng đặc định do Bộ Tư pháp Nhật chủ trì được triển khai từ 1.4. Sau nhiều tháng đàm phán, đến nay VN và Nhật Bản đã cơ bản thống nhất nội dung, tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong tháng 7.

Ông Hương chia sẻ: “Do thiếu nhân lực, chính phủ Nhật Bản cho phép lao động nước ngoài có kiến thức kỹ năng, kinh nghiệm và tiếng Nhật tương đương N4 làm việc tại nước này. Nhật Bản dự kiến thỏa thuận với 9 nước, trong đó VN là đối tác quan trọng. Nhật Bản đánh giá cao lao động VN và kỳ vọng sẽ có nhiều lao động VN từ chương trình này”.
Dự kiến, khoảng đầu tháng 7 chương trình sẽ được công bố để triển khai từ năm 2020 - 2025. “Những lao động VN kết thúc tu nghiệp sinh 3 năm sẽ được thi lấy chứng chỉ kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản, nếu đạt sẽ có cơ hội ở lại làm việc dài hạn. Những người đã từng tham gia chương trình tu nghiệp sinh, có trình độ tiếng Nhật và tay nghề đã về nước cũng sẽ có cơ hội trở lại Nhật Bản”, ông Hương nói.
Mặc dù VN chưa công bố chương trình, nhưng đã có nhiều lao động VN trúng tuyển trong kỳ thi mới đây được tổ chức tại Nhật. Chị Phạm Thị Ngọc Tú, Giám đốc Công ty dịch vụ tư vấn nhân sự Nipponlink, cho hay: “Chương trình trên nhận được sự quan tâm của rất nhiều lao động VN. Qua theo dõi, có 75% lao động VN tham gia trúng tuyển, cao hơn so với các nước phái cử. Trình độ tiếng Nhật N4 không quá khó với lao động VN. Với những bạn chưa học, chỉ cần 6 tháng đến 1 năm có thể đỗ N4”.
Đáng chú ý, với chương trình này các chi phí giới thiệu việc làm sẽ do cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản chi trả. Theo chị Tú, phía VN cần tuyên truyền tốt đến người lao động, nhất là vùng nông thôn, miền núi để tránh việc các đối tượng lừa đảo người lao động.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết việc đàm phán để đưa ra Bản ghi nhớ hợp tác phù hợp với luật pháp của hai nước, nhằm giảm rủi ro.
Trong buổi làm việc gần đây tại Bộ LĐ-TB-XH, ông Tarumi Hidie, Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Nhật Bản), cho biết: “Nhật Bản sẽ có những liên kết với các ngân hàng mở tài khoản cá nhân cho người lao động để chuyển tiền lương và các khoản liên quan. Phía Nhật sẽ thúc đẩy hoạt động giao lưu giữa lao động VN và người dân Nhật Bản, tạo các điều kiện thuận lợi để người lao động được học tập và làm quen, sinh sống tại Nhật Bản. Trong thời gian người lao động cư trú và làm việc tại đây, nếu gặp vấn đề khó khăn, chính phủ Nhật Bản sẽ có tư vấn bằng tiếng Việt kịp thời cho họ”.
Với những chính sách mới trên, Bộ LĐ-TB-XH dự báo số lao động VN đến Nhật Bản làm việc trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.

14 ngành nghề Nhật Bản dự kiến tiếp nhận lao động

Chương trình lao động kỹ năng đặc định triển khai trong 5 năm với tổng số lao động nước ngoài tiếp nhận là 345.150 người, làm việc trong 14 ngành, gồm: xây dựng, đóng tàu, nông nghiệp, thực phẩm, nhà hàng ăn uống, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, điện - thông tin điện tử, bảo dưỡng/sửa chữa ô tô, hàn cơ khí, lưu trú khách sạn, hộ lý chăm sóc người cao tuổi, hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.