Dịch Covid-19 đã khiến sinh kế của nhiều gia đình chao đảo. Nhiều phụ nữ làm các công việc phi chính thức, không có giao kết hợp đồng (tức lao động tự do) tại TP.HCM cũng chịu cảnh "thắt lưng buộc bụng" dưới tác động dài hạn mà dịch gây ra, trong khi họ lại chính là trụ cột gia đình.
Xin ứng trước tiền phụ quán
Dãy nhà trọ trong một căn hẻm trên đường Mã Lò (Q.Bình Tân) là nơi sinh sống của hơn chục gia đình. Đa số họ là lao động di cư đến TP.HCM làm đủ thứ ngành nghề. Chủ nhà trọ ở đây "than ngắn than dài" vì "nơi đây nhiều người mất việc vì Covid-19".
Chị Trần Thùy Ngôn (quê Cần Thơ, 41 tuổi) đến TP.HCM tìm việc hồi tháng 2.2020, tần ngần kể lại chuyện "bấm bụng" nhờ chủ quán ứng trước tiền để trang trải sinh hoạt. “Tôi làm tạp vụ trong một quán ăn gần nhà từ 9 giờ - 22 giờ, được 6 triệu/tháng, trích ra gần phân nửa để trả tiền trọ. May mắn, quán cũng bao ăn hai buổi nên tôi không tốn chi phí ăn uống”, chị Ngôn nói và cho biết thêm, chị là mẹ đơn thân, sống cùng hai đứa con, đứa con gái lớn của chị vì nghĩ gia cảnh khó khăn nên khi thi đại học xong đã quyết định nghỉ học, đi làm phụ chị.
|
Dịch Covid-19 buộc ba mẹ con chị Ngôn dè sẻn tối đa chi phí sinh hoạt, vậy mà ‘đến nay vẫn còn thiếu nhà trọ 800.000 đồng tiền điện nước’, chị kể, lúc mới vào Sài Gòn có vài món trang sức nhỏ trên người cũng đã bán hết để trang trải.
“Ngay đợt dịch đầu tiên, theo lệnh giãn cách xã hội, quán ăn tôi đang làm đóng cửa nên khoảng thời gian đó tôi xin quán ứng trước tiền để sống, khi quán mở lại, tôi làm để trừ tiền”, chị lắc đầu. Nhưng tình hình kinh doanh mà quán chị Ngôn làm cũng không “khá khẩm” hơn trong bối cảnh dịch bệnh, đợt dịch ngay tết, quán cũng tạm ngưng bán từ 28 tết, phải đến đầu 1.3 mới mở lại.
“Lương tháng 1.2021 chỉ mới lấy được phân nửa, tết vừa rồi, ba mẹ con chị quyết định ở lại thành phố vì sợ về quê không có dư đồng nào mà lại làm ông bà ngoại tụi nhỏ lo thêm”, chị nói và cho biết thêm: “Khi nghe tin quán sẽ được mở lại, tôi mừng quá trời quá đất. Trước mắt, tôi chỉ mong đi làm lại, có đồng vô đồng ra, có tiền trả nợ cho chủ trọ thôi”, chị tâm sự.
Lao đao vì những hệ lụy dai dẳng
Nhưng không chỉ riêng chị Ngôn, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực diện đến tầng lớp lao động tự do, vốn có ngành nghề dễ bị tổn thương nhất.
Chị T.L.A (37 tuổi, quê Thanh Hóa) trọ ở xã Trung Chánh (H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, cuộc khủng hoảng dai dẳng của dịch Covid-19 đã làm giảm một nửa thu nhập của gia đình chị. Kể từ tai nạn nổ bình gas cách đây 10 năm khiến chị bị bỏng nặng và giảm sút đáng kể sức lao động, vé số là nguồn sinh nhai duy nhất, đồng thời số tiền chị chắt mót được từ việc bán vé số giúp chị trải qua 10 cơn phẫu thuật cắt, ghép da. 3 năm trước, chị kết hôn và sinh một bé gái. Từ đó, hai vợ chồng chị cố gắng làm việc, tích góp để nuôi con.
Nhưng từ khi dịch Covid-19 diễn ra và đặc biệt là khi có lệnh tạm ngưng phát hành vé số một thời gian năm 2020, mối lo thất nghiệp như sợi dây ám ảnh gia đình chị hằng ngày...
|
Chị A. cũng nói, lúc chưa có dịch Covid-19, mỗi tháng chị bán vé số dư 6 triệu đồng, cộng với lương của chồng chị đi làm nhân viên giao hàng là đủ trang trải sinh hoạt.
“Quan trọng là có nguồn thu để chăm con còn nhỏ. Nhưng dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên cũng không có mấy người nghĩ đến chuyện mua vé số! Chưa kể, tôi cũng sợ dịch lây lan, mà mình lại có con nhỏ, nhỡ mình có gì thì con làm sao nên giờ vẫn ở nhà”, chị nói và cho biết thêm, chồng chị may mắn không bị mất việc và cũng không bị giảm tiền lương nên gia đình vẫn trụ được.
“Tôi ở nhà cũng tìm cách mon men lên mạng xã hội học cách bán hàng online nhưng không thành. Chỉ mong sao cuộc sống trở lại bình thường, tôi sẽ đi bán trở lại sớm thôi, khoảng tháng 9 năm nay, con gái tôi sẽ đi học mầm non, đồng nghĩa chi phí cũng tăng lên. Tôi tính rồi, ngoài chuyện bán vé số, tôi dự định đi bán rau, củ dạo để kiếm thêm. Nhưng nếu còn dịch xảy ra nữa thì tôi cũng không biết làm sao...”, chị A. cho hay.
Cũng lao đao vì những hệ lụy dai dẳng của dịch, chị Lê Thị Hồng Ánh (42 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) rất sợ tình trạng dịch bùng phát hay giãn cách xã hội xảy ra. Chị Ánh mới vào Sài Gòn chừng ba tháng nay. Trước đó ở quê, chị đi nhặt ve chai buổi đêm tới 3-4 giờ sáng, còn chồng chị làm ở cửa tiệm sản xuất dây chuyền, vàng bạc… nhưng vì Covid-19 không có khách nên cũng mất việc. Gia đình chị Ánh có ba con, đứa đầu đang học đại học còn con út mới 13 tháng tuổi. “Lúc mới sinh đứa út, tôi đau nặng nên phải thế chấp nhà dưới quê để chữa trị. Sau đó, tôi cùng chồng ẵm con nhỏ vào Sài Gòn thuê trọ, hy vọng kiếm được việc làm. Bây giờ, chồng tôi làm công nhân dọn vệ sinh ở chung cư, còn tôi bồng theo con nhỏ đi bán vé số. Hôm nào trời mát đi được nhiều thì bán hết, lời chừng 180.000 đồng. Hôm nào trời nắng đi bộ không nổi, tôi bán còn mấy chục tờ vé số. Hôm sau phải mượn tiền bà chủ trọ để đi lấy vé số bán tiếp”, chị kể.
Tháng 10.2020, trả lời PV Thanh Niên về tác động của dịch Covid-19 lên những đối tượng yếu thế, bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết phụ nữ phải đối mặt nhiều bất lợi trên thị trường lao động Việt Nam, điển hình nhất là chênh lệch về thu nhập.
Trước cuộc khủng hoảng, chênh lệch về tiền lương theo giờ của người lao động nam cao hơn nữ khoảng hơn 15% ở hầu hết các nghề, bao gồm các vị trí quản lý, chuyên gia, kỹ thuật viên….
Khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tiền lương theo giờ của phụ nữ phục hồi chậm hơn nhiều so với nam giới, đồng thời, tỉ lệ phụ nữ rời khỏi thị trường lao động cao hơn nam giới, làm gia tăng khoảng cách về giới trong tiếp cận thu nhập của Việt Nam. Trong quý II năm 2020, các gia đình phải tìm giải pháp trông trẻ khi trường học đóng cửa và phụ nữ thường là đối tượng đảm nhận trách nhiệm này. Điều này lý giải tại sao tỷ lệ phụ nữ không tham gia hoạt động kinh tế trong thời gian đó so với nam giới.
Bà Valentina Barcucci cũng cho biết, lao động phi chính thức là nhóm đối tượng chiếm số đông, có thu nhập trung bình thấp, dễ bị tổn thương trên thị trường lao động. Họ cũng không thuộc diện được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặc dù sự tham gia vào thị trường lao động của lao động nữ, lao động phi chính thức đã bắt đầu hồi phục từ quý III năm 2020 nhưng khó có thể bù đắp được tổn thất thu nhập trong quý II mà các hộ gia đình vốn có trụ cột làm các công việc dễ bị tổn thương – tức nhóm lao động tự do đã phải đối diện.
|
Bình luận (0)