Lao động trẻ: Bám trụ và hy vọng

Thanh Nam
Thanh Nam
21/06/2023 06:00 GMT+7

Cuộc sống mưu sinh đã và đang gặp không ít khó khăn, thử thách. Thế nhưng với nhiều công nhân, họ chẳng nản chí, sờn lòng mà vẫn ôm giấc mơ thị thành và nghĩ về một ngày mai tươi sáng…

THU NHẬP GIẢM SÚT

Chị Nguyễn Hồng Liên (32 tuổi), quê ở Vĩnh Phúc, công nhân giày da ở Công ty TNHH Tỷ Hùng, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết khoảng 4 tháng nay thu nhập giảm sút đáng kể. Thay vì lúc trước đồng thời nhận cả mức lương 6,5 triệu đồng/tháng và khoản thu nhập ngoài giờ nhờ tăng ca khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng, thì hiện nay số tiền chị nhận được mỗi tháng chỉ còn 5,7 triệu đồng.

Bám trụ và hy vọng - Ảnh 1.

Những nụ cười lạc quan vẫn nở trên môi người công nhân

Theo nữ công nhân này, vì đơn hàng khan hiếm nên chị và các đồng nghiệp không còn được tăng ca, vì thế mà thu nhập cũng vơi bớt.

Cũng có tình cảnh tương tự, anh Lê Hữu Dương (31 tuổi) quê ở Nghệ An, công nhân giày dép ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, Q.Bình Tân, cho biết thông thường mỗi tháng có thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Nhưng từ tháng 2, thu nhập của anh ít dần đi. "Mỗi tháng ít đi vài trăm ngàn đồng, và mức lương gần nhất nhận được vào tháng 5 là khoảng 6 triệu đồng", anh Dương cho biết.

Chuyện của Dương và Liên là nỗi niềm chung của nhiều công nhân hiện nay. Các doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm đối tác kinh doanh, đơn hàng sản xuất ngày càng lèo tèo… dẫn đến thu hẹp quy mô sản xuất. Công nhân gặp phải tình cảnh thu nhập bấp bênh, chi tiêu thiếu trước hụt sau.

Những công nhân làm việc ở cơ sở may nhỏ lẻ cũng không ngoại lệ. Chị Mai Thị Thương (27 tuổi), quê ở Quảng Ngãi, công nhân may mặc ở một doanh nghiệp may trên đường Võ Thành Trang, Q.Tân Bình, cho biết trước đây mỗi tháng chị nhận được 4,5 triệu đồng, được bao ăn ở. Nhưng đến thời điểm này, số tiền chị nhận được đã giảm đi 1/3, tiền công chỉ còn 3 triệu đồng, và thay vì được ăn ngày 3 bữa thì đã bị cắt suất ăn sáng.

Anh Liêu Thành Quang (29 tuổi), quê ở Ninh Bình, làm việc ở một công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất trên đường Lê Văn Chí, TP.Thủ Đức, cũng kể thời gian gần đây công ty không có đơn hàng nên thời gian được làm việc ngắn hơn. "Ngày trước, khi có hàng nhiều, phải tăng ca thường xuyên, có giai đoạn tôi làm 14, 15 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nhưng 2 tháng nay, có khi tôi phải làm xen kẽ ngày, ngày làm ngày nghỉ; thu nhập giảm gần gấp đôi", anh Quang kể.

Bám trụ và hy vọng - Ảnh 2.

Dù cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn nhưng không khiến công nhân nản chí

Xuân Phương

KHÔNG NGỪNG HY VỌNG

Chẳng thể phủ nhận thực tế cuộc sống của không ít công nhân đang mưu sinh ở TP.HCM gặp nhiều trở ngại; nhất là khi tiền lương vốn dĩ ít ỏi lại càng giảm đi, mà giá cả thì ngày càng leo thang.

Thế nhưng khi chia sẻ với người viết, nhiều công nhân cho biết họ không khuất phục trước những khó khăn, thiếu thốn vây quanh. Họ vẫn giữ ý chí, tinh thần và không chùn bước trước nghịch cảnh. Họ vẫn ôm giữ giấc mơ thị thành.

Chẳng hạn trường hợp của chị Liên, dù có quãng thời gian suốt cả tuần, bữa ăn chẳng hề có cá, thịt, nhưng không vì thế mà chị nản chí. Chị Liên cho biết luôn kiên trì với mục tiêu và ước mơ mà bản thân đã từng nghĩ đến khi rời quê vào TP lập nghiệp. "Mình mong tương lai không xa, khi cuộc sống dần ổn định, mình cố gắng làm việc chắt bóp chi tiêu để dành dụm mua một căn nhà ở xã hội. Mình tin ngày đó sẽ đến", chị Liên thổ lộ.

Quang cũng cho biết có nhiều đồng nghiệp của anh đã rời đi, có người về quê, có người tìm kế sinh nhai khác, riêng anh vẫn bám trụ lại công ty để làm việc. "Có thể trong giai đoạn này tình hình kinh doanh của công ty khó khăn. Nhưng mình nghĩ một thời gian nữa, việc sản xuất kinh doanh sẽ thuận lợi, công ty nhận được thêm nhiều đơn hàng, lợi nhuận cao thì công ty sẽ nâng cao việc chăm lo phúc lợi cho công nhân, theo đó tiền lương cũng sẽ cao hơn", anh Quang bày tỏ sự hy vọng.

Chị Vương Thục Loan (31 tuổi), quê ở Thừa Thiên-Huế, làm việc ở Công ty cổ phần đầu tư dệt Phước Thịnh, TP.Thủ Đức, nói: "Có lúc tôi buồn vì thu nhập không nhiều, nhưng nghĩ lại còn biết bao công nhân phải rơi vào cảnh bị cắt giảm nhân sự, mình vẫn có công ăn việc làm thì đó là điều may mắn".

Thế nên thay vì rầu rĩ, ta thán, chị vẫn nỗ lực hằng ngày trong công việc để "vài năm nữa tích góp được ít tiền làm vốn kinh doanh".

Chị Dương Thị Hồng Trang (27 tuổi), quê ở H.Vĩnh Thuận (Kiên Giang), làm việc tại Công ty TNHH Mai Hiền, đường Phạm Phú Thứ, Q.Tân Bình, cho biết nhiều đồng hương cùng lên TP.HCM để làm công nhân may mặc, giày da, thủy hải sản đã phải trở về quê vì bị các công ty chấm dứt hợp đồng lao động. "Mình may mắn khi còn được làm ở đây, nên vẫn cố gắng để bám trụ. Mình hy vọng tương lai sẽ đỡ vất vả và đủ đầy hơn", chị Trang bày tỏ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.