Lần đầu tiên “Ngày hội việc làm” có số lượng lao động tuyển dụng lớn, nhất là lao động bậc ĐH, CĐ nhưng các bạn trẻ vẫn lúng túng tìm cho mình một công việc.
Các lao động trẻ đến tìm việc tại "Ngày hội việc làm 2015" - Ảnh: Diệu Hiền
|
"Ngày hội việc làm 2015", do Sở LĐ-TBXH TP.Đà Nẵng phối hợp Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng tổ chức thu hút 105 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với tổng số lao động cần tuyển là 2.665 lao động, trong đó ĐH, CĐ là 1.007 lao động (chiếm tỷ lệ 37,8%), với đa ngành nghề từ quản lý kinh tế, tài chính kế toán, cán bộ quản lý điều hành, quản trị hành chính, kỹ sư, kỹ thuật viên đến nhân viên bán hàng, dịch vụ khách sạn, nhà hàng... thuộc nhiều ngành khác nhau như: công nghiệp, xây dựng, thương mại, tài chính ngân hàng, du lịch, dịch vụ... Thế nhưng, không phải lao động nào cũng có thể tìm được việc làm một cách dễ dàng.
Trong hàng vạn lao động đến với “Ngày hội việc làm”, có rất nhiều bạn trẻ đã ra trường nhiều năm liền nhưng vẫn chưa tìm được việc làm.
P.T.B.Tr, học ĐH chuyên ngành kế toán dù đã ra trường 2 năm nay và liên tục đi tìm việc nhưng vẫn chưa tìm được việc phù hợp.
“Lương hướng không quan trọng bằng môi trường làm việc, vì môi trường tốt sẽ giúp tôi tích lũy kinh nghiệm, nhưng nơi tôi đang làm việc còn tạm bợ, nên tôi muốn tìm kiếm một cơ hội mới ở một đơn vị mới”, Tr. chia sẻ.
Còn Nguyễn Thị Lê Trâm, sinh viên ngành Công nghiệp thực phẩm (ĐH Công nghiệp TP.HCM), dù tốt nghiệp năm 2014, nhưng Trâm cũng khó khăn tìm việc làm: “Tôi chọn Đà Nẵng để phát triển công việc của mình, nhưng hơn 1 năm qua, tôi vẫn phải đi dạy thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống xa nhà và chờ cơ hội tìm kiếm việc làm đúng ngành nghề, nhưng không phải là quá dễ”.
Anh Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.Đà Nẵng, Tổng giám đốc Công ty SEATECH thì chia sẻ: “Phần lớn các bạn sinh viên đều mong muốn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, năng động, lương cao... Về mặt kiến thức chuyên ngành, chúng tôi không đánh giá nhiều vì biết rằng các bạn chưa có điều kiện tiếp xúc với thực tế, yếu tố kinh nghiệm cũng không phải là tiêu chí quan trọng trong việc tuyển chọn nhân tài của công ty. Điều mà chúng tôi băn khoăn nhất là đa số các bạn muốn làm việc nhưng lại chưa sẵn sàng bước chân vào môi trường công việc".
"Khi cuối buổi phỏng vấn, chúng tôi yêu cầu ứng viên đặt câu hỏi, rất ít trong số đó quan tâm đến cơ hội đào tạo tại công ty họ ứng tuyển, triển vọng phát triển cũng như các kế hoạch cho tương lai. Nhưng đó chính là việc các bạn nên nghĩ đến khi tham gia các cuộc phỏng vấn xin việc” - anh Hiểu cho biết thêm.
Bình luận (0)