>> 4 mức hỗ trợ cho lao động trở về từ Libya
|
Hơn 2 tháng trôi qua, khoản tiền hỗ trợ từ phía doanh nghiệp và Bộ LĐ-TB-XH như đã hứa vẫn chưa thấy đâu.
Khi chiến dịch đưa lao động (LĐ) từ Libya về nước do bất ổn chính trị chỉ mới bắt đầu, ngày 11.8, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành ngay Quyết định 1012/QĐ-LĐTBXH hỗ trợ LĐ về nước, với các mức từ 1 - 7,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, theo quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu LĐ phải thanh lý hợp đồng, chi trả 50% phí môi giới cho người LĐ sau khi LĐ về nước 1 tháng. Những tưởng, các khoản hỗ trợ sẽ nhanh chóng đến tay người LĐ, giúp họ vơi bớt khó khăn, gánh nặng nợ nần. Thế nhưng, cho đến nay, hơn 2 tháng trôi qua, kể từ khi những LĐ đầu tiên về nước, hầu như chưa có LĐ nào nhận được khoản hỗ trợ.
Nằm trong số những LĐ không may mắn, vừa sang Libya 3 tháng đã phải về nước, đến nay dù là LĐ chính trong nhà, anh Vũ Trung Chương, xã Minh Đức, H.Tứ Kỳ (Hải Dương) vẫn trong cảnh thất nghiệp. Anh Chương cho biết: “Khi đi, mỗi LĐ đều phải vay từ 40 - 50 triệu đồng. Ai cũng sang đây, mong làm 2 năm kiếm đủ tiền về lo kinh tế gia đình. Bây giờ món nợ ngân hàng còn “âm” gần 20 triệu đồng vẫn đang lơ lửng trên đầu. Chỉ mong công ty và Bộ LĐ-TB-XH sớm giải quyết, hỗ trợ dù chỉ vài triệu đồng cũng vô cùng quý giá trong lúc này”. Theo lời anh Chương, sau nhiều lần gọi điện đến Công ty Vinamex, ngày 15.10, anh và các LĐ được công ty thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ 5 triệu đồng từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm như đã công bố, vẫn tiếp tục khất với lý do, Bộ LĐ-TB-XH chưa chuyển tiền nên chưa thể chi trả cho LĐ. Tương tự, anh Nguyễn Văn Oanh ở H.Nghi Lộc (Nghệ An) cho hay ngoài khoản tiền tạm ứng 1 triệu đồng khi vừa xuống sân bay, đến thời điểm này anh chưa nhận được đồng nào từ phía Công ty Vinaconexmec.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Công ty Vinaconexmec, thừa nhận đến nay chưa trả tiền hỗ trợ và thanh lý hợp đồng cho các LĐ; đồng thời cho biết phía doanh nghiệp đang cùng với Cục Quản lý lao động ngoài nước tập hợp danh sách, rà soát cho kỹ để giải quyết thủ tục giấy tờ; đồng thời chờ chủ sử dụng LĐ ở Libya chuyển trả tháng lương cuối cùng (380 USD/tháng) và 3 tháng bồi dưỡng 550 USD/LĐ. “Chúng tôi đang tính toán để người LĐ không phải mất thời gian đi lại nhiều lần, tốn kém tiền tàu xe nên đã lên phương án, kết hợp thanh lý hợp đồng và nhận tiền hỗ trợ cùng một lần. Mấy ngày hôm nay, chúng tôi đang khẩn trương làm, hy vọng mấy ngày tới, LĐ sẽ sớm nhận được tiền hỗ trợ”, ông Hiệp nói.
Còn theo ông Nguyễn Việt Hải, Giám đốc điều hành Công ty Vinamex, công ty đã thanh lý hợp đồng cho 120 LĐ. Gần 400 LĐ khác sẽ được giải quyết ngay sau khi có tiền hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Bên cạnh đó, công ty đã tính phương án ưu tiên những LĐ này đi làm việc theo các đơn hàng khác. Cụ thể là đang làm thủ tục nộp visa cho 220 LĐ đi làm việc tại Ả Rập Xê Út với mức lương cơ bản là 330 USD/tháng.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 16.10, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết theo quy định, các doanh nghiệp có LĐ làm việc tại Libya phải về nước trước hạn có trách nhiệm gửi văn bản lên Cục và Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đề nghị hỗ trợ, kèm theo danh sách người LĐ được hỗ trợ theo từng đối tượng quy định. Tổng cộng tiền hỗ trợ 1.753 LĐ là hơn 3,8 tỉ đồng. Trong đó, riêng hơn 700 LĐ của Công ty Vinamex đã xét duyệt hỗ trợ hơn 2 tỉ đồng. Cục sẽ đôn đốc để NLĐ sớm được nhận hỗ trợ. |
Thu Hằng
>> Hoàn tất sơ tán lao động VN tại Libya về nước
>> Bí ẩn vụ 3 lao động Việt Nam mất tích tại Libya
>> Đã có gần 1.000 lao động VN từ Libya về nước
>> Đã có 509 lao động VN từ Libya về nước
Bình luận (0)