Lao động Việt Nam ở Li-băng mòn mỏi đợi ngày về

26/07/2006 23:20 GMT+7

Mỏi mòn vì chiến sự ngày càng ác liệt, lương thực dự trữ đang dần cạn kiệt, đa số anh chị em lao động VN đang suy sụp về tinh thần lẫn thể chất, đợi từng ngày để được lên xe rời khỏi Li-băng.

Không thể biết trước điều gì !

Từ khi anh Hoàng Mạnh Hà, đại diện người lao động VN tại Li-băng, phát đi lời kêu cứu từ Beirut, đến nay đã trên chục ngày. Trước đó, anh cho biết, đã gửi e-mail về một số cơ quan thông tấn trong nước nhưng không thấy cơ quan nào phản hồi, buộc lòng anh phải gửi cho báo chí nước ngoài. "Có sống tại Li-băng trong điều kiện hiện nay, mọi người mới thông hiểu hoàn cảnh bức bách, mỏi mòn chờ đợi của chúng tôi" - anh nói qua điện thoại ngày 26/7. Ngừng một chút, anh nhấn mạnh: "Bình thường 15 ngày đã là dài huống hồ trong điều kiện chiến tranh, loạn lạc. Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu, và đang sống trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn. Điện nước kém, chợ búa không có, công sở, trường học đóng cửa. Đã thế, các chủ nhà khi di tản đã mang theo hộ chiếu, tiền lương, tiền gửi gây ra rất nhiều khó khăn cho không ít anh chị em. Chủ nhà cũng không thể trả ngay một lần nợ lương mấy ngàn USD cho người lao động. Bom đạn từng ngày, nhà băng hoặc

Tối 26/7, chúng tôi một lần nữa liên lạc với anh Hoàng Mạnh Hà. Anh Hà cho biết hiện anh đang tìm kiếm 2 người đã từ lâu mất tin tức theo yêu cầu của Đại sứ quán VN tại Ai Cập. Đó là chị Hoàng Thị Nguyệt và Đặng Thị Hiền. Anh Hà cũng đã liên lạc được với chị Đinh Thị Phương. Do bom đạn quá khốc liệt, chị theo nhà chủ lánh nạn nơi mới. Chị nói, nếu được đài thọ miễn phí từ Li-băng về VN thì mới về, chứ còn sang nước khác tỵ nạn thì chị thà chết bên này còn hơn.

đóng cửa hoặc chi tiền nhỏ giọt".

Anh cho biết, hai ngày qua bom có ngừng rơi ở trung tâm Beirut, hàng viện trợ quốc tế bắt đầu vào nhưng người Việt vẫn chưa nhận được gì. Khoản lương thực, thực phẩm dự trữ sắp cạn. Giá cả tăng chóng mặt. Ban ngày, ở các phố chính chỉ lác đác xe. Chiều xuống cả thành phố vắng hoe. Đêm không ai ngủ được vì đó là thời gian máy bay Israel oanh kích. "Nhà rung, cửa kính vỡ, một số nơi đổ nát, tan hoang... Không thể nói trước, biết trước điều gì. Hiện hầu hết anh chị em vẫn an toàn nhưng bom rơi đạn lạc, làm sao biết trong chúng tôi ai sẽ là người “đi” trước?". Suốt 60 phút điện đàm, tôi tuyệt nhiên không nghe được chút lạc quan nào ánh lên trong giọng nói của Hà.

Những hồi chuông vắng lạnh

Tạm biệt Hà, tôi gọi vào số 961.7.222.121. Sau mã số 961 của Li-băng, số thứ tư là mã địa phương với điện thoại bàn. Đây là vùng cảng Sidon, phía nam Li-băng giáp Israel, suốt 2 tuần qua chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Trong ngôi nhà sở hữu số điện thoại ấy có chị Đinh Thị Phương, người tôi muốn gặp. Tôi gọi đến chục lần, mỗi lần hai hồi chuông lặp đi lặp lại nhưng không có ai nhấc máy... Quay lại với các anh Hoàng Mạnh Hà, Bùi Văn Dũng, tôi được biết, cách đây mấy hôm, cũng từ số điện thoại này, chị Đinh Thị Phương đã nói chuyện với chồng con ở Ninh Bình. Nhưng đã 2 hôm nay, không ai còn nghe tiếng chị. Anh Hà suy luận: "Có thể chị Phương đã di tản theo nhà chủ đến nơi an toàn". Còn anh Dũng: "Trong ngày hôm nay 26/7, bằng mọi cách chúng tôi sẽ tìm đưa chị Phương về Beirut...".

Như vậy, trong 4 chị sống trong vùng "nguy hiểm", tính đến 16 giờ chiều 26/7 chỉ còn mỗi chị Đinh Thị Phương. Ba chị còn lại gồm Lê Thị Xoa (đã về Beirut, ở tại nhà anh Hà) và Đỗ Thị Lan, Hoàng Thị Tuyết (ở phía Nam), đang được Hoàng Mạnh Hà đàm phán với nhà chủ về khoản tiền lương theo hợp đồng trước khi họ theo về Beirut. Đáng thương nhất là trường hợp chị Hoàng Thị Tuyết. Chủ nhà là cựu quan chức Chính phủ Li-băng đã di tản, mang theo toàn bộ hộ chiếu và tiền lương chưa trả cho chị. "Về VN tôi sẽ sống bằng gì?", chị khóc...


Cháu Hoàng Minh Trung, 3 tuổi, công dân "nhí" duy nhất của VN đang có mặt tại Li-băng. Hai tuần qua, cháu phải ở nhà do trường mẫu giáo đóng cửa. Sinh tại Beirut nhưng cháu vẫn nói giỏi tiếng Việt, tiếng Ả Rập, một ít tiếng Anh và tiếng Pháp. (Ảnh do H.M.H gửi về từ Beirut)

Chờ đợi ngày về

Rạng sáng ngày 26/7, tôi đọc được tin các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc bị chết do bom đạn Israel. Tôi chợt nghĩ, người của Liên Hiệp Quốc còn vậy huống chi những lao động VN. Họ đang kẹt giữa hai làn đạn và đếm từng ngày từng giờ để trở lại quê hương. Đây không là một quyết định dễ dàng vì đại đa số anh chị em có việc làm ổn định hơn so với khi ở VN. Hằng năm, anh chị em vẫn gửi tiền về cho gia đình, xây nhà cửa, nuôi con ăn học. Như chị Hoàng Thị Tuyết, mấy năm qua lo làm lụng, chưa về VN, gom góp được 6.000 USD, nay nhà chủ di tản ra nước ngoài bỗng thành người tay trắng! Trở về trong hoàn cảnh như vậy, với họ là cú sốc. Nhưng trụ lại ở Li-băng, biết có sống sót ? Nói như anh Hoàng Mạnh Hà - người đã tham gia đưa bà con, anh em sang Li-băng lao động - thì chắc chắn anh sẽ đưa vợ và con về nước do "bom đạn ngày càng nhiều, ở lại thật là khó sống".

Theo nhận định của anh Bùi Văn Dũng, đại đa số anh chị em đang nóng lòng đợi ngày về. Chiều 25/7, anh đã trao danh sách 100 người đầu tiên đăng ký cho đại diện IOM (Tổ chức Di cư quốc tế). "Sáng nay vừa tìm thêm 3 người, trong đó có một chị tên Lê Thị Thu. Chiều nay 26/7, chúng tôi sẽ bổ sung danh sách theo yêu cầu của Đại sứ quán VN từ Ai Cập gọi sang". Hoàng Mạnh Hà bổ sung: "Vì kế sinh nhai, chúng tôi phải xa quê. Nay trở về trong hoàn cảnh khó khăn, mong được bà con trong nước cưu mang, giúp đỡ. Xin cảm ơn mọi người, cảm ơn các cơ quan báo chí đã cùng lên tiếng về tình cảnh người Việt ở Li-băng. Mong mọi chuyện suôn sẻ để chúng tôi sớm trở về VN".

Ngày 24/7, Bộ Ngoại giao VN đã ra thông báo mới nhất về việc giúp đỡ công dân VN sơ tán khỏi Li-băng: 

1. Các công dân Việt Nam còn ở Li-băng và thân nhân họ cần sớm liên hệ với Đại sứ quán VN tại Ai Cập (điện thoại: 202-761 73 09, fax: 202-336 86 12, e-mail: vinaembeg@yahoo.com) hoặc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (điện thoại: 04-199 31 21, fax: 04-823 69 28, e-mail: cls.mfa@mofa.gov.vn) để lập danh sách cụ thể các công dân VN còn ở Li-băng.

2. Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị và được Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đồng ý sẽ hỗ trợ giúp đỡ công dân VN cùng với công dân các nước khác sớm sơ tán khỏi Li-băng. Bộ Ngoại giao cũng đang liên hệ với một số nước khác để giúp đỡ công dân ta sơ tán.

3. Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Đại sứ quán VN tại Ai Cập cử cán bộ tới Li-băng để trực tiếp tổ chức giúp đỡ, hướng dẫn công dân ta sơ tán khỏi Li-băng. Số điện thoại, địa chỉ liên hệ sẽ được thông báo sau khi cán bộ này tới Li-băng.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.