Đó là ý kiến của các chuyên gia và nhiều người dân về việc chủ đầu tư dự án lấp sông Đồng Nai "bất ngờ" gặp dân vào tối 17.4.
|
Cuộc họp do UBND phường Quyết Thắng tổ chức và gửi thư tới người dân, nhưng chính ông Phạm Thanh Long, Chủ tịch phường này, lại không nắm được số lượng cụ thể người dân tham dự. Cuộc họp là để “công khai” về dự án nhưng cũng chính lời ông Long nói rằng: “Báo chí đã thông tin suốt thời gian qua… không còn gì cần phải “công khai” thêm nữa”.
Họp dân cũng sai
|
Đồng tình với bà Khanh, TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam - đại diện khu vực phía nam của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), nhận xét: “Sáng nay đọc Báo Thanh Niên tôi thấy rất vui, rất hay. Hay vì chính những người trong cuộc nhận ra bản chất của cuộc họp là để “đối phó với dư luận”. Cái hay còn nằm ở chỗ là người dân phát biểu rất thẳng thắn nêu tên tuổi rõ ràng và dám chịu trách nhiệm đến cùng với lời phát biểu của mình. Điều này khác rất nhiều với thời điểm cuối tháng 3 khi tôi đi thực tế. Lúc đó, tôi trực tiếp gặp người dân để ghi nhận ý kiến của họ, họ nêu ý kiến nhưng không dám nêu tên. Họ rất sợ”.
Trả lời trực tiếp vào vấn đề, bà Lâm Thị Thu Sửu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD), nói: “Về nguyên tắc họp dân như thế vẫn sai vì tham vấn phải được tiến hành trước khi xây dựng. Còn ở đây họ làm sắp xong rồi và khi dư luận lên tiếng mới tổ chức họp dân thì chỉ để biện bạch thôi chứ đâu có ý nghĩa gì”. Tương tự, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), nhấn mạnh: Chúng ta có thể thấy rõ là họ họp đối phó. Họ đã sai quy trình ngay từ đầu, lấp xong tới 90% rồi, bây giờ tình hình như vậy họp cũng vô nghĩa.
Theo TS Long, những cuộc họp dân lấy ý kiến phải được tiến hành trước khi thực hiện, trong lúc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Còn họp lúc này chỉ hoàn thành thủ tục, chứ thật ra chẳng có giá trị gì. Về nguyên tắc nếu là một cuộc họp tham vấn họ phải gửi thông báo đến tận tay người dân và ghi nhận phản hồi để biết số lượng người tham dự. Trong thư mời họp phải có nội dung cuộc họp, phương pháp họp lấy ý kiến ra sao… Còn giờ Công ty Toàn Thịnh Phát mới họp dân thì quá muộn rồi, có thể chỉ là để xoa dịu dư luận.
Cố tình bịt tai
Tại buổi họp dân, ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Toàn Thịnh Phát, phát biểu: “Tụi này làm dựa trên báo cáo khoa học, tới giờ phút này chưa có báo cáo nào khác nói rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến cù lao Phố”.
Tuy nhiên, bà Khanh cho rằng chủ đầu tư đã cố tình không nhìn nhận vào thực tế. Bà phân tích: “Đầu tiên tôi muốn trở lại vấn đề là dự án này nó có được phép làm hay không. Giả sử việc lấp sông làm dự án được phép làm thì cần gì đến những quy định của luật pháp cấm những dự án ảnh hưởng đến dòng chảy. Như vậy có thể nói, luật pháp không cho phép làm một dự án như vậy. Còn việc tỉnh Đồng Nai cấp phép thì họ đã vượt quá thẩm quyền của mình. Thứ hai là chuyện nó có tác động hay không thì theo tôi người bình thường chứ chưa cần tới khoa học cũng có thể nhận thấy nói không tác động là quá vô lý. Làm gì có cái chuyện vô lý đến mức một dòng chảy nó đang tự nhiên như vậy rồi dựng cả một cái hàng rào như thế mà nói nó không có tác động gì. Chắc chắn nó sẽ có tác động”.
TS Long thì nêu quan điểm: “Bây giờ người dân bình thường cũng biết về dự án và tác động của nó mà chủ dự án lại nói vậy tôi nghĩ cũng lạ. Các nhà khoa học đã lên tiếng phản biện rất thẳng thắn trên báo chí. Đấy có thể xem là một diễn đàn khoa học trên báo chí. Diễn đàn báo chí là một diễn đàn chính thức được công nhận theo Quyết định 501 của Chính phủ ký ngày 15.4.2015. Nhưng họ nói như vậy có nghĩa là họ cố tình bịt tai lại không muốn nghe”.
Rất bức xúc, TS Tuấn phản ứng: “Chưa có báo cáo nào nói làm như vậy ảnh hưởng đến cù lao Phố” vì họ âm thầm làm, không công bố công khai cho người dân biết, không xin ý kiến các bộ ngành có liên quan. Cái này giống như doanh nghiệp bắt tay với chính quyền làm. Tới khi đổ bể ra họp dân lại để nói cho dân biết nhưng thực ra dân đã biết hết qua báo chí. Cuộc họp nó mất ý nghĩa là ở chỗ đó.
Đầu tư mạo hiểm phải chịu rủi ro
Theo bà Khanh, báo cáo ông chủ đầu tư dự án nói đến là báo cáo mà họ bỏ tiền ra thuê người làm. Những báo cáo kiểu này từ trước giờ ai cũng hiểu chất lượng là như thế nào rồi. TS Tuấn giải thích, thường doanh nghiệp đứng ra thuê người viết ĐTM, người được thuê luôn ráng làm sao cho đúng với ý của người thuê.
Nếu doanh nghiệp cẩn thận hơn thì họ nên đem cái đề án đó cho một chuyên gia, tổ chức độc lập đọc lại, phản biện thì mới khách quan được. Còn đối với UBND tỉnh không có chuyên môn thì nên thuê một nơi khác phản biện, hoặc là công khai báo cáo nhờ các tổ chức khoa học phản biện lại thì lúc đó vấn đề nó khác. Thậm chí có nhiều dự án trước khi triển khai còn đăng báo quảng cáo để thăm dò phản ứng của dư luận. Nhưng dự án lấp sông Đồng Nai lại bỏ những bước đi cần thiết nên chuyện thiệt hại là do chính bản thân doanh nghiệp mạo hiểm, không thể trách ai được.
Bà Lâm Thị Thu Sửu tái khẳng định dự án này là tác động đến cả lưu vực sông, đến nhiều người dân thì cần phải dừng dự án, rút giấy phép và đặc biệt họ phải trả lại nguyên trạng ban đầu. Về vấn đề thiệt hại của dự án này là do chính chủ đầu tư gây ra nên họ tự chịu. Còn nếu người ký quyết định sai thì phải có trách nhiệm cá nhân trong việc đền bù.
Đồng quan điểm này, bà Khanh còn nhấn mạnh thêm: “Chính quyền địa phương và doanh nghiệp chính là chủ thể trong việc này, theo nguyên tắc làm ăn họ đầu tư mạo hiểm thì phải chấp nhận rủi ro. Không thể vì cái sai đó, vì lợi ích của doanh nghiệp, một nhóm nhỏ người nào đó mà bắt cả cộng đồng hàng chục triệu người phải gánh chịu hậu quả, đền bù cho cái sai của họ được. Họ chưa bị xử lý trách nhiệm về chuyện làm sai trái của mình thì theo tôi vẫn là còn nhẹ”.
Bình luận (0)