Lập bếp chống dịch nấu những suất cơm nghĩa tình, không để chốt đói, chốt vắng

Trần Cường
Trần Cường
16/08/2021 17:26 GMT+7

Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội , hàng ngàn chốt kiểm soát được dựng lên khắp các thôn làng, khu phố, lực lượng đoàn viên thanh niên đã tham gia bám chốt, nấu những suất cơm nghĩa tình.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.Hà Nội đã cho thiết lập hàng ngàn chốt kiểm soát tại khắp các thôn làng, khu phố để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Đây cũng là thời gian lực lượng áo xanh đoàn viên hăng hái “xông trận”, tham gia bám chốt, chống dịch.
Anh Bùi Thái Sơn, Bí thư Huyện đoàn Đan Phượng (Hà Nội), cho biết từ khi thực hiện giãn cách xã hội, Huyện đoàn Đan Phượng đã hỗ trợ đoàn viên tại tất cả các chốt kiểm soát trên địa bàn để cùng tham gia chống dịch, không ngại khó khăn.

Lực lượng đoàn viên tham gia gác chốt, chống dịch

Ảnh Nguyễn Đạt

Thời gian đầu, nhiều gia đình còn lo lắng vì con em trực chốt, tiếp xúc với nhiều người, thậm chí đã có những đoàn viên đo thân nhiệt cho F0 và phải cách ly chống dịch, tuy nhiên sau khi nhận thức được hành động của con mình giúp ích cho xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh nên đều đồng tình, ủng hộ.
“Nhiều xã, lực lượng đoàn viên đang là chủ chốt, phối hợp với các bên liên quan để bám chốt chống dịch. Đã có đoàn viên phải cách ly vì tiếp xúc F0 nhưng sau khi hoàn thành cách ly, các bạn lại xông pha ra chốt chống dịch, không quản nguy hiểm, khó khăn”, anh Sơn nói.

Đoàn viên xã Thượng Mỗ nấu cơm cho lực lượng gác chốt chống dịch

Ảnh Trần Cường

Ngoài bám chốt, đoàn viên tại nhiều chi đoàn còn triển khai mô hình “suất cơm nghĩa tình”. Có chi đoàn làm bánh, bún chả, trà sữa, nấu cháo,… có chi đoàn lại nấu cơm, mang tận nơi cho lực lượng tại chốt để họ yên tâm chống dịch.
Là một trong những chi đoàn thực hiện “bữa cơm nghĩa tình”, trưa 16.8, các đoàn viên Đoàn xã Thượng Mỗ (H.Đan Phượng) đã tập trung tại địa điểm để chuẩn bị hàng chục suất cơm trưa cho lực lượng gác chốt.

Bếp nấu ăn của Đoàn xã Thượng Mỗ được trưng dụng từ một quán cà phê

Ảnh Trần Cường

Anh Nguyễn Văn Đạt, Bí thư Đoàn xã Thượng Mỗ, cho biết từ khi có lệnh giãn cách, chính quyền đã thiết lập 20 chốt cứng, 7 chốt mềm để kiểm soát người dân ra vào địa bàn, và cũng từ đó, lực lượng đoàn viên vừa bám chốt, vừa xây dựng nhiều kế hoạch để ủng hộ lực lượng bám chốt, không để chốt vắng, lực lượng bám chốt bị đói.
Theo anh Đạt, thời điểm dịch hoành hành, cũng là lúc tinh thần đoàn kết của người dân được bộc lộ rõ rệt nhất. Sau lời kêu gọi, người dân cả xã đã ủng hộ kinh phí để thực hiện chương trình "bữa cơm nghĩa tình" cho lực lượng chống dịch.

Kinh phí do nhân dân đóng góp, và đoàn viên trở thành đầu bếp

Ảnh Trần Cường

Để bữa ăn không nhàm chán, bữa sáng, các đoàn viên sẽ làm bún chả; trưa và tối nấu những suất cơm nóng với đầy đủ rau, thịt mang tới tận chốt chống dịch.
“Mỗi bữa, chúng tôi chuẩn bị 60 suất ăn cho lực lượng bám chốt, bữa sáng khoảng 1,5 triệu đồng, bữa trưa và tối là 3 triệu đồng, toàn bộ kinh phí này được người dân ủng hộ”, anh Đạt nói.

Mỗi ngày, Đoàn xã Thượng Mỗ chuẩn bị 3 bữa, sáng bún chả, trưa tối là cơm

Ảnh Trần Cường

Anh Đạt cho biết, ngoài nấu cơm cho chốt chống dịch, những hôm có lực lượng y tế về tiêm vắc xin, các cán bộ công an về làm nhiệm vụ, Đoàn xã Thượng Mỗ đều chuẩn bị những suất ăn để lực lượng yên tâm làm nhiệm vụ.
“Bếp chống dịch” của Đoàn xã Thượng Mỗ là một quán cà phê rộng mát, được người dân hỗ trợ làm nơi nghỉ ngơi, nấu ăn cho lực lượng bám chốt.
Tại đây, các đoàn viên người nhặt rau, người thái thịt, kho cá,… chuẩn bị những suất ăn đủ dinh dưỡng đúng giờ, đúng bữa để lực lượng yên tâm gác chốt, chống dịch.

Những suất cơm đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khoẻ cho lực lượng chống dịch

Ảnh Trần Cường

Khoảng 11 giờ 30, những suất cơm được chuyển đến tận chốt để đảm bảo lực lượng chống dịch được ăn đúng bữa

Ảnh Trần Cường

Đoàn viên Đoàn xã Liên Hồng (H.Đan Phượng) làm bánh bao, trà sữa cho lực lượng gác chốt

Ảnh Trần Cường

Những chiếc bánh bao nóng được vận chuyển tới các chốt chống dịch trong đêm

Ảnh Trần Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.