Lấp hồ làm đất ở tại Q.Long Biên: Nhiều ao hồ tự nhiên đã biến mất

Lê Quân
Lê Quân
14/03/2022 10:26 GMT+7

Theo nhiều người dân ở P.Ngọc Thuỵ (Q.Long Biên, Hà Nội), ngoài 2 hồ Xuân Quế và Sơn Thuỷ sắp bị “khai tử” thì thời gian qua, không ít ao hồ ở địa bàn cũng đã bị san phẳng làm đất ở, nhất là khi giá đất tăng.

Liên tục lấp ao hồ tự nhiên

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trước đây, tại P.Ngọc Thụy có nhiều ao hồ tự nhiên. Bà Nguyễn Thị Hồng, 55 tuổi, sinh ra lớn lên ở đây, cho biết trước kia người dân Ngọc Thụy còn sống bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản, trồng sen để bán hoa, hạt và củ sen, vì có hàng chục ao hồ tự nhiên như hồ Bà Đồ, hồ Đầm Nấm… và một số được gọi tên chung là hồ sen hay ao sen do không có tên cụ thể.

Ngoài giúp dân làm kinh tế thì những ao hồ này có chức năng chứa nước, tránh ngập lụt cho khu vực và bao đời nay vẫn thế.

Người dân ở P.Ngọc Thuỵ tiếc nuối những không gian thoáng như thế này nếu bị san lấp làm đất ở

lê quân

Cư dân tại tổ 11, 12 nhiều năm qua đều có những động thái để phản đối việc lấp hồ. Chẳng hạn, ngay từ năm 2011, nhiều người dân sinh sống tại 2 tổ 11, 12 đã làm đơn tập thể, kiến nghị và phản đối để khu hồ Đầm Sen nằm ở giữa làng không bị san lấp, phân lô bán nền. Vì cư dân đấu tranh mạnh mẽ nên đến nay hồ này vẫn còn, đã được kè lại, có đường đi xung quanh, là không gian xanh tại địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế thì khá nhiều ao hồ đã bị san lấp rồi sau đó thành đất ở. Bà Hồng kể, khoảng tháng 6.2021, người dân nhận được thông tin về việc thu hồi hồ Bà Đồ ở P.Ngọc Thuỵ để san lấp. Khi khu hồ Bà Đồ bị san lấp thì bên ngoài được quây tôn, không biết bên trong khu đất được làm những gì.

Theo một số người dân, nhiều ao hồ ở Q.Long Biên từng bị san lấp

lê quân

Một số cư dân khác tại đây phản ánh, hồ Đầm Nấm, hồ Bà Đồ… cùng hàng chục ao hồ tự nhiên không có tên đều lần lượt biến mất và được chuyển thành đất ở. Với hồ Bà Đồ, một số ý kiến cho biết diện tích lên tới 8.000 m2 và bị san lấp chia lô thành đất ở thì số lô đất là khoảng 1.000 lô. Giá mỗi mét vuông khoảng 100 triệu đồng thì giá trị khu đất lên tới hàng trăm tỉ đồng chứ không hề nhỏ.

“Chúng tôi chẳng biết lấp xong thì làm dự án gì, chỉ thấy hồ bị lấp thì rất tiếc. Có ao hồ, mưa không ngập, không khí trong lành, giờ ao hồ cứ dần biến mất như thế này mà giả sử có chồng dự án vào thì sau này lại thành chốn đất chật người đông, không rõ quy hoạch như thế nào”, bà Trần Thị Thu (65 tuổi, sống tại P. Ngọc Thuỵ) bày tỏ.

Hồ Bà Đồ trước khi bị san lấp thành đất ở

người dân cung cấp

Bà Thu nói thêm, cách đây hơn 20 năm, khi bà chuyển tới đây sinh sống thì khu vực quanh hồ Bà Đồ còn khá thưa dân cư, cảnh sắc còn hoang sơ. Cùng với các ao hồ tự nhiên khác, khu vực này rất trong lành. Còn bây giờ thì hồ mất dần do bị san lấp, chuyển thành đất ở.

Hồ sau khi lấp thành đất ở, giá tăng vù vù

Theo lời anh Trần Văn Mạnh (45 tuổi, một người dân khác sống tại P.Ngọc Thuỵ) cho biết đa số các hồ sắp bị san lấp đều nằm dọc theo tuyến đường 40 m đang được thi công dở dang và chính tuyến đường đi qua là căn cứ để chuyển đổi khu vực đất nông nghiệp tổ 11, 12 (P.Ngọc Thụy), đất ao hồ… thành đất ở.

Điều này cũng là nguyên nhân chính “thổi” giá trị đất ở đây lên mạnh. Anh Mạnh cho hay, thực tế thì từ nhiều năm nay, hoạt động mua bán đất xen kẹt quanh tuyến đường 40 m này đã diễn ra rất sôi động. Thậm chí, việc mua bán, đầu tư, chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép trên địa bàn đã diễn ra với hiện tượng một số cá nhân thu gom, lập dự án làm sân tennis, sân tập golf trái phép… sau đó bị chính quyền cưỡng chế vì xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Q.Long Biên hiện đang triển khai xây dựng khu tái định cư, giãn dân ở khu vực đất nông nghiệp giáp với P.Thượng Thanh. Quận này cũng vừa khánh thành công viên Thượng Thanh, trước kia là hồ Đầm Nấm rộng hàng chục nghìn mét vuông. Đối diện với công viên này là các ô đất phân lô, bán nền thuộc dự án tái định cư đã được làm hạ tầng, đường, điện. Những tấm biển giao dịch bất động sản được mọc lên khắp nơi. Giá đất tại đây cũng tăng mạnh đến mức người dân bất ngờ.

Một số ao hồ nằm ven tuyến đường 40 theo quy hoạch sẽ bị san lấp để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất

lê quân

Trong đơn phản ánh gửi tới nhiều cơ quan chức năng và báo chí bày tỏ sự phản đối trước chủ trương san lấp 2 hồ là Xuân Quế và Sơn Thuỷ trong ngõ 264 đường Ngọc Thuỵ để chuyển đổi làm đất ở, người dân cũng cho biết từ khi có quy hoạch mở tuyến đường rộng 40 m kể trên, giá đất tại đây tăng chóng mặt. Tuyến đường này bắt đầu từ cuối đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội (5B) - Cổ Linh - Hồng Tiến kéo dài đến khu vực cầu Đông Trù. Khi có thông tin quy hoạch mở đường thì giá đất thường xuyên được giao dịch ở khoảng trên dưới 150 triệu đồng/m2.

Nhiều người dân ở P.Ngọc Thuỵ cho biết, hệ thống ao hồ tự nhiên trên địa bàn sẽ bị lấp đi làm đất ở bán với giá cao. Trong khi đó, quy hoạch của cơ quan chức năng sẽ đào thêm hồ nhân tạo ở khu dân cư khác, không cùng trong một khu vực lấp ao hồ tự nhiên đã bị lấp đi. Trên chỉ tiêu quy hoạch thì vẫn đảm bảo diện tích ao hồ, nhưng thực tế thì mặt hồ chỗ này bị lấp, cộng đồng mất đi lá phổi xanh. Trong khi đó, tại nơi đào hồ nhân tạo mới thì bất động sản sẽ lại được bán với giá cao ngất ngưởng, người dân bản địa khó lòng chạm tới.

Người dân cũng bày tỏ sự khó hiểu trước chủ trương bảo vệ ao hồ trên toàn thành phố, nhất là khu vực nội đô Hà Nội như bảo tồn không gian sống, nhưng tại P.Ngọc Thuỵ nói riêng và Q.Long Biên nói chung thì ngược lại, khi chủ trương lấp nhiều ao hồ để chuyển đổi làm đất ở.

Tuyến đường 40 m là hạng mục dang dở trong dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất

lê quân

Đại diện UBND Q.Long Biên cho biết, thời gian qua, địa phương đã thực hiện theo quy hoạch, lấp một số ao hồ để chỉnh trang. Đồng thời, cũng hoàn thành một số dự án hồ tổ 11 (diện tích 6.200 m2), hồ tổ 6 (diện tích 2.000 m2), hồ tổ 9 (diện tích 3.000 m2), cống hóa mương Gia Quất, đường chân đê tả Hồng, hữu Đuống;… và những công trình này giúp đảm bảo tiêu chí về không gian, khoảng thoáng cho cộng đồng cũng như hạ tầng kỹ thuật.

Cũng theo đại diện UBND Q.Long Biên, một số hộ dân chưa đồng tình với chủ trương san lấp một số ao, hồ trên địa bàn, nhưng thực tế, quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền đã phê duyệt. Nếu muốn thay đổi gì cũng phải phụ thuộc vào chỉ đạo của TP.Hà Nội.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng ao, hồ mang lại cảnh quan, không gian thoáng đãng, còn gọi là “lá phổi xanh” cho cộng đồng dân cư; bên cạnh đó còn đóng vai trò là nơi chứa nước, tránh ngập úng cho cả khu vực. Nước mưa được thu hồi vào, qua đấy thẩm thấu xuống lòng đất, nên không thể phủ nhận vai trò điều hoà, cân bằng. Đối với ao, hồ trong thành phố thì những chức năng, vai trò nêu trên càng trở nên quan trọng. Do vậy, từ công tác quy hoạch, đến khi triển khai cần hết sức thận trọng, phải lắng nghe ý kiến người dân, chứ không nên cứng nhắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.