Ngày tết, bên cạnh những phong bao lì xì cho trẻ nhỏ, người lớn không quên gửi cho nhau những lời chúc tốt lành, cùng chúc một năm mới nhiều sức khỏe, an lành, vạn sự như ý, cầu được ước thấy...
Nhưng làm thế nào biến những lời chúc đó thành hiện thực thì không chỉ nói suông là được!
Chỉ sợ “nói trước bước hổng tới”...
Nhiều chị em tuy là “tổng chỉ huy mặt trận”, là tay hòm chìa khóa trong gia đình nhưng vẫn còn quan niệm: “Người tính không bằng trời tính” nên cứ để mọi việc diễn ra một cách “thiên nhiên”.
Hằng năm sau những ngày tết sôi động, vợ chồng chị Thu Thảo ở Q.2, TP.HCM lại tiếp tục cuộc sống bình ổn của mọi ngày. “Có gì đâu mà tính, con học hành theo lịch của nhà trường, còn mình làm nhà nước. Công việc ở cơ quan thì có cấp trên chỉ đạo, sếp giao việc gì thì hoàn thành việc đó là tốt rồi”. Và vì vậy, theo chị Thảo, cả chị và chồng từ trước tới giờ chưa có thói quen lập kế hoạch cho mỗi năm: “Thường người ta làm ăn kinh doanh, có đồng ra đồng vô hay trúng mánh gì đó thì mới cần có kế hoạch đầu tư nọ kia để tiền đẻ ra tiền. Rồi khi có tiền lại có kế hoạch đi chơi, du lịch, chứ còn mình thì...”.
Chị Thảo kể ra: này nhé, lương hai vợ chồng mỗi tháng vừa đủ chi tiêu, cuối năm thì có tiền thưởng để ăn tết, hiếu hỉ. Nếu vậy lỡ có rủi ro gì xảy ra thì sao? Nếu có ai đó hỏi câu này, nhất là vào những ngày đầu năm, chị Thảo sẽ nói ngay: “Thôi thôi, mấy chuyện đó đâu có ai muốn xảy ra, đừng nói xui xẻo vậy chứ!”... Và chị còn nói thêm: “Hổng có kế hoạch gì hồi nào tới giờ cũng đâu có sao!”. Nhưng chị quên rằng hai vợ chồng mình mười mấy năm nay không có mua sắm gì lớn, nhà cửa cũng còn ở chung bên nội. Năm rồi con trai chỉ đậu đại học dân lập, vợ chồng chị phải vay mượn mới đủ đóng học phí cho con.
Có một câu chuyện vui kể rằng: chị vợ nhà nọ có thói quen chi tiêu không có kế hoạch nên thường xuyên bị khủng hoảng tài chính mà không biết vì sao nên không có cách nào khắc phục. Giải pháp của chị chính là yêu cầu chồng đưa thêm tiền. Vì vậy một hôm anh chồng mang về cho vợ cuốn sổ và dặn vợ ghi ra kế hoạch chi tiêu, sau đó ghi rõ ngày nào thu vào chi ra bao nhiêu thì sẽ kiểm soát được chuyện tiền bạc, đồng thời anh đưa luôn tiền lương tháng đó cho vợ.
20 ngày sau, chị vợ đã phải cầu cứu với chồng vì tiền đã hết. Anh chồng bực bội hỏi vợ có ghi chép vào sổ như anh hướng dẫn không, vợ xác nhận là có. Cầm quyển sổ trên tay vợ, anh chồng giở ra xem thấy trong đó ghi rõ hai dòng, dòng thứ nhất: ngày ...tháng ...năm ...: Chồng đưa tiền; dòng thứ hai: ngày... tháng... năm...: Hết tiền!
Kế hoạch tốt, cuộc sống tốt hơn
Để có được một kế hoạch tốt, những yếu tố cơ bản cần xác định là:
- Mục tiêu: đây là yếu tố quan trọng hàng đầu vì sẽ định hướng cho toàn bộ kế hoạch của gia đình, đồng thời là động lực để mọi người cùng cố gắng. Mục tiêu có thể là: sửa chữa nhà cửa, mua sắm vật dụng, một khoản tiền tiết kiệm, con thi đậu đại học, nâng cao bằng cấp, chăm sóc sức khỏe...
- Nội dung: cần có một danh sách công việc cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu trên. Việc lập ra danh sách sẽ giúp cả nhà hình dung công việc cụ thể, không bỏ sót đầu việc. Sau đó sẽ đánh số thứ tự ưu tiên việc nào làm trước, việc nào làm sau.
- Thời gian: thời điểm tiến hành và thời hạn thực hiện sẽ giúp kế hoạch diễn ra đúng tiến độ.
- Biện pháp, cách thức: liệt kê những cách thức thực hiện mỗi công việc ở trên (cách tiết kiệm tiền, tăng thêm thu nhập, cách sắp xếp thời gian, cách rèn luyện sức khỏe...) và cả những biện pháp để kiểm tra thu chi, kiểm tra học hành, kiểm tra công việc, kiểm tra sức khỏe...
- Huy động nguồn lực: mỗi người góp một tay, ai có điểm mạnh nào sẽ phụ trách phần việc phù hợp.
Có thể nói lập kế hoạch là một kỹ năng sống hình thành trong chính cuộc sống gia đình hằng ngày, chính kỹ năng này sẽ giúp cuộc sống gia đình đi vào quỹ đạo ổn định. Thay vì để cuộc sống cái gì đến sẽ đến, chủ động trong cuộc sống sẽ giúp các gia đình có được sự “phát triển bền vững”, tránh những bất hòa.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)