Lập kỷ lục, xuất khẩu sầu riêng hướng tới cột mốc mới

Chí Nhân
Chí Nhân
02/12/2023 06:57 GMT+7

Chỉ trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đã đạt gần 2,1 tỉ USD, một con số "không tưởng" ngay cả với những người lạc quan nhất. Nhiều chuyên gia dự báo, trong thời gian tới sầu riêng sẽ còn thiết lập nhiều kỷ lục mới.

Xuất khẩu vượt 2 tỉ USD, hướng tới mốc 3 tỉ USD

Ở thời điểm hiện tại, cả thế giới chỉ VN có sầu riêng. Trong thế "một mình một chợ" nên giá sầu riêng đang ở mức rất cao. Tại các vườn ở miền Tây và Đông Nam bộ, giá sầu riêng Ri6 mua xô lên đến 115.000 - 120.000 đồng/kg, sầu riêng giống Thái từ 135.000 - 140.000 đồng/kg.

Lập kỷ lục, xuất khẩu sầu riêng hướng tới cột mốc mới - Ảnh 1.

Sầu riêng đang trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN

ĐÀO NGỌC THẠCH

Là người theo dõi sát diễn biến thị trường rau quả xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), cho biết: Kết quả xuất khẩu 10 tháng của năm 2023 đã đạt gần 2,1 tỉ USD và dự báo cả năm nay có thể đạt đến 2,3 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng cuối năm có chậm lại do sản lượng hạn chế vì trái vụ. 

"Đây là con số cao không tưởng dù từ năm ngoái, tôi đã dự đoán quả sầu riêng sẽ sớm trở thành mặt hàng xuất khẩu tỉ USD. Nếu thị trường tiếp tục tiến triển như hiện tại thì trong năm tới sầu riêng sẽ tiếp tục phá vỡ các kỷ lục của năm 2023. Xuất khẩu của năm 2024 có thể đạt ít nhất 3 tỉ USD. Chúng ta đang đàm phán với phía bạn mở thêm cửa cho sầu riêng đông lạnh. Nếu thành công thì VN có thể "đi bằng 2 chân" như Thái Lan hiện tại chứ không chỉ là sầu riêng tươi. Lúc đó, không chỉ những trái sầu riêng đúng kích cỡ mới có thể xuất khẩu mà ngay cả những trái ngoài chuẩn cũng có thể tách ra lấy cơm đông lạnh để bán, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và tạo giá trị gia tăng cho trái sầu riêng", ông Nguyên nói.

Tăng lượng xuất khẩu nhưng phải giữ uy tín thương hiệu của vùng trồng và thương hiệu quốc gia là những vấn đề quan trọng mà nhà vườn, doanh nghiệp thu mua phải đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ để việc tiêu thụ sầu riêng bền vững hơn.

GS-TS Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường ĐH Cần Thơ

TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), phân tích: Một ký sầu riêng xuất khẩu có giá từ 3 - 4 USD, một trái sầu riêng ít nhất từ 2 - 3 ký, tính ra trung bình một trái sầu riêng trị giá 10 USD. Nhờ giá trị cao nên kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng thần kỳ ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu. Sầu riêng là loại cây lâu năm, ít nhất phải từ năm thứ năm trở đi mới cho thu hoạch thương mại (năm thứ tư có trái lần đầu). 

Nhờ giá trị kinh tế cao nên từ nhiều năm qua, nhiều người đã ưu tiên lựa chọn cây sầu riêng để trồng hoặc trồng xen canh với các loại cây khác theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. Khi cây sầu riêng trưởng thành, những loại cây giá trị thấp sẽ từ từ được giảm xuống, nhường chỗ cho sầu riêng. Nếu ai di chuyển trên đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thường xuyên sẽ thấy những vườn cây xen canh kiểu này giờ đang dần chuyển sang toàn bộ là sầu riêng. Cũng nhờ vậy mà VN có thể nắm bắt ngay cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng ngay trong năm đầu tiên thị trường Trung Quốc mở cửa. 

"Sự tăng trưởng vượt bậc của sầu riêng VN cũng đúng như câu nói "nhất cự ly, nhì tốc độ", khi mà VN có lợi thế về địa lý so với các nước khác", TS Thoại nhận xét.

Dù chưa có con số cụ thể nhưng ước tính diện tích sầu riêng cho thu hoạch trong năm 2023 của VN chỉ chiếm khoảng 1/2 diện tích được thống kê hồi đầu năm nay là 110.000 ha, tương đương khoảng 60.000 ha. Trong những năm tiếp theo, diện tích sầu riêng cho thu hoạch có thể tăng thêm từ 10 - 15%, nhờ vậy giúp VN tăng nguồn cung và kim ngạch.

Đối thủ không chỉ là Thái Lan

GS-TS Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường ĐH Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu của VN về cây sầu riêng, cho biết: Theo thống kê năm 2021 thì sản lượng sầu riêng đứng đầu thế giới là Indonesia với 1,37 triệu tấn, Thái Lan đứng ở vị trí thứ 2 với 1,1 triệu tấn và VN thứ 3 với chỉ 0,67 triệu tấn, tiếp theo là Malaysia, Philippines, Campuchia. Tuy nhiên, sầu riêng của Indonesia chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, chỉ có một ít xuất khẩu nên không cạnh tranh với các nước cung cấp sầu riêng trong khu vực. 

Hiện Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất, đã ký nghị định thư xuất khẩu trái sầu riêng tươi với 4 nước là Thái Lan, Malaysia, VN và Philippines. Tuy nhiên, Malaysia nằm ở phân khúc khác còn Philippines sản lượng không đáng kể nên cũng không phải là đối thủ chính cạnh tranh trực tiếp với VN. Đối thủ cạnh tranh lớn và trực tiếp với sầu riêng VN là Thái Lan và đối thủ tiềm năng là Campuchia. Đây là hai quốc gia cùng trồng giống sầu riêng Monthong và kỹ thuật thu hoạch tập trung sau đó xử lý cho chín đồng loạt.

Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc đạt giá trị 4,9 tỉ USD. Đây là doanh thu kỷ lục trong 30 năm qua và sầu riêng của Thái chiếm 96% thị phần ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ trong 8 tháng năm 2023, Thái Lan đã xuất khẩu với giá trị gần 4 tỉ USD. Những năm gần đây, diện tích sầu riêng của Thái Lan tăng trung bình 8%/năm. 

Dù đang dẫn đầu nhưng GS Hâu đánh giá, Thái Lan rất quan tâm đến sự cạnh tranh của sầu riêng VN và Philippines trong 5 năm tới. Lợi thế của Thái Lan là có diện tích và sản lượng lớn, đã xuất khẩu nhiều năm qua thị trường Trung Quốc với đầy đủ cơ sở hạ tầng và thị trường ổn định, so với VN chỉ mới bước đầu xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Đối với sầu riêng Campuchia, hiện nay nước này xuất khẩu sang Trung Quốc qua thương hiệu của Thái Lan. 

"Để cạnh tranh với các đối thủ trực tiếp này, sầu riêng VN phải khai thác lợi thế mùa vụ thu hoạch ở vùng Tây nguyên với sản lượng lớn và sầu riêng rải vụ ở ĐBSCL để xuất khẩu ở thời điểm Thái Lan khan hiếm. Ngoài ra, đảm bảo chất lượng bằng cách thu hoạch đủ độ chín, không tồn dư dư lượng hóa chất, xử lý sau thu hoạch sao cho trái sầu riêng có chất lượng tốt nhất. Tăng lượng xuất khẩu nhưng phải giữ uy tín thương hiệu của vùng trồng và thương hiệu quốc gia là những vấn đề quan trọng mà nhà vườn, doanh nghiệp thu mua phải đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ để việc tiêu thụ sầu riêng bền vững hơn", GS Hâu chỉ rõ.

TS Võ Hữu Thoại cũng khuyến cáo: Nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều bất trắc về điều kiện tự nhiên làm ảnh hưởng đến trồng trọt bên cạnh các yếu tố rủi ro của thị trường. Chính vì vậy các thành phần tham gia chuỗi giá trị cần hết sức thận trọng. Cụ thể như vùng ĐBSCL là nơi rất dễ bị tác động bởi tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn. Còn các tỉnh miền Đông là thiếu nước do khô hạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến diện tích trồng sầu riêng của VN. Chính vì vậy những diện tích mà chúng ta thống kê không chắc sẽ còn nguyên như vậy vào 3 - 4 năm tới. Điều thứ hai quan trọng hơn là chúng ta vẫn chỉ có một thị trường chính là Trung Quốc nên rủi ro cao. Chính vì vậy cần tiếp tục mở rộng thị trường và đẩy mạnh chế biến các sản phẩm liên quan đến mặt hàng sầu riêng.

Sầu riêng VN năng suất cao nhất đến 27,8 tấn/ha

Theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích trồng sầu riêng năm 2023 đạt 131.000 ha, tăng 20% so với năm 2022, sản lượng đạt 1 triệu tấn. Giống sầu riêng của VN chủ yếu là Monthong và Ri6. Tổng số mã vùng trồng được Trung Quốc cấp là 422 với diện tích 15.962 ha. Năng suất sầu riêng tại Tiền Giang là 27,8 tấn/ha, Vĩnh Long là 9,9 tấn/ha, Bến Tre 13,8 tấn/ha, Đông Nam bộ 9 tấn/ha, Tây nguyên 15 tấn/ha.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.