Lập lại trật tự vỉa hè không 'đánh trống bỏ dùi'

01/04/2017 07:17 GMT+7

Ngày 31.3, UBND TP.HCM họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, thu chi ngân sách quý 1 và phương hướng, nhiệm vụ trong quý 2/2017.

Trong cuộc họp, liên quan đến lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu không “đánh trống bỏ dùi” mà các quận, huyện phải làm quyết liệt, không làm theo phong trào và theo chiến dịch. Những quận nào đã làm tốt thì phải tổ chức lại kinh tế vỉa hè như thế nào cho những người bán hàng rong để dân không khổ.
Tại cuộc họp, một số lãnh đạo sở ngành, quận huyện đã báo cáo về công tác lập lại trật tự vỉa hè cũng như hỗ trợ người dân kinh doanh. Chủ tịch UBND Q.1 Trần Thế Thuận cho hay sau chiến dịch đã có 100/134 tuyến đường ở Q.1 thông thoáng. Q.1 sàng lọc ra 580 hộ kinh doanh vỉa hè thì có 260 hộ thuộc diện nghèo. Trong số hộ nghèo này có 130 hộ đồng ý chuyển đổi ngành nghề và được UBND quận giới thiệu giúp việc nhà, dọn dẹp vệ sinh ở công ty để có thu nhập ổn định. 130 hộ nghèo còn lại thì có 100 hộ được UBND quận tổ chức buôn bán, kinh doanh vỉa hè ở đường Nguyễn Văn Chiêm, công viên Bách Tùng Diệp.
“Còn 30 hộ còn lại không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp và rơi vào các hộ người già, khuyết tật thì UBND quận phối hợp với chợ Bến Thành đưa 30 hộ này vào gia công túi giấy thay thế túi ni lông cho 1.200 hộ kinh doanh ở chợ để đựng hàng hóa”, ông Thuận cho biết.
Tại buổi họp báo sau cuộc họp trên, Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết trước thực tiễn của TP.HCM, vừa qua lãnh đạo TP đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và T.Ư thông qua Đề án chính quyền đô thị. Trong đó, có nêu về tổ chức, bộ máy chính quyền; vấn đề TP nằm trong TP; không có HĐND quận, huyện, phường...
Ông Hoan cho hay TP cũng có đề xuất về vấn đề chia tách quận, huyện. “Nhưng vấn đề này phải xin ý kiến, nghiên cứu, đánh giá tác động, đề xuất lên UBND TP, Thành ủy, HĐND trước khi báo cáo với Chính phủ và các cơ quan T.Ư chứ không phải TP muốn là làm ngay được”, ông Hoan nói và cho biết việc chia tách hay sáp nhập quận huyện, phường xã xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Ở một số địa phương, “cái áo” quận, huyện đã chật, đòi phải điều chỉnh, phân chia địa giới hành chính để đáp ứng yêu cầu quản lý.
Ông Võ Văn Hoan cũng thông tin về đề xuất sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP.Thủ Đức. Theo đó, trong đề án chính quyền đô thị đề xuất lên T.Ư có nêu TP.HCM gồm các đơn vị trung tâm là các quận nằm trong phần lõi và 4 thành phố vệ tinh gồm thành phố phía đông, tây, nam và bắc.
“Thành phố phía đông gồm Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức, thành phố phía bắc gồm Q.Gò Vấp, Q.12 rồi đi ngược lên Hóc Môn, Củ Chi... Tuy nhiên, việc này mới chỉ dừng lại ở ý tưởng”, ông Hoan nói.
Liên quan đến dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành trong đó có vấn đề sáp nhập một số sở ngành mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến, ông Hoan cho hay quan điểm của TP là muốn bộ máy nhà nước tinh gọn nhưng nếu sắp xếp bộ máy TP như một tỉnh bình thường sẽ rất khó quản lý hiệu quả khi TP hơn 13 triệu dân.
Cũng vào sáng 31.3, UBND TP.HCM triển khai máy kiểm tra an ninh tại cổng số 86B Lê Thánh Tôn để kiểm soát an ninh ở trụ sở ủy ban. Những người ra vào, làm việc ở ủy ban đều phải kiểm tra an ninh bởi nhân viên an ninh và máy soi chiếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.