Lập lờ gạo Việt mác ngoại

19/03/2016 06:59 GMT+7

Từ chợ đến siêu thị, các loại gạo được cho là của Campuchia, Thái, Nhật, Hàn dần chiếm lĩnh thị trường, có loại đắt hơn gạo VN gấp 2 - 3 lần.

Từ chợ đến siêu thị, các loại gạo được cho là của Campuchia, Thái, Nhật, Hàn dần chiếm lĩnh thị trường, có loại đắt hơn gạo VN gấp 2 - 3 lần.

Nhiều loại gạo “Nhật”, “Miên” tràn ngập các chợ ở TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức MinhNhiều loại gạo “Nhật”, “Miên” tràn ngập các chợ ở TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Giá trên trời
Xung quanh khu vực chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM) tập trung nhiều điểm bán gạo sỉ và lẻ các loại. Các mặt hàng “gạo Thái nhập”, “gạo Miên” được bày bán rất phổ biến. Tại một vựa gạo trên đường Tô Hiến Thành, gạo giống Thái được trồng trong nước hay các loại gạo trong nước như: Nàng Hương, Nàng Thơm chợ Đào, Tài Nguyên... chỉ có giá từ 11.000 - 13.500 đồng/kg tùy loại; trong khi loại gạo được giới thiệu là hàng “Thái nhập” có giá là 15.000 đồng/kg. Còn gạo Hương Lài “nhập” có giá lên đến 24.000 đồng/kg; Hương Lài “Miên” có giá 20.000 đồng/kg. “Gạo này do các thương lái nhập về qua đường tiểu ngạch nên số lượng rất ít so với gạo Thái trồng ở VN. Bây giờ nhiều người mua gạo này ăn lắm, có ngày tôi bán lẻ cũng vài trăm ký”, chủ vựa gạo trên cho biết. Tại một vựa gạo khác, người bán hàng giới thiệu “gạo Miên” với giá 17.000 đồng/kg. Theo khảo sát của chúng tôi, các loại gạo này được bán ở hầu khắp các vựa, đại lý gạo ở TP.HCM.


Nhiều sản phẩm gạo VN gắn mác ngoại chỉ để bán với giá cao hơn. Họ tranh thủ tâm lý thích sự mới lạ và thiếu thông tin của người tiêu dùng

Ông Huỳnh Thanh Nhuận, Phó giám đốc ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời


Trong khi các loại gạo Thái, Campuchia đang dần chiếm lĩnh phân khúc bình dân ở các chợ thì các loại gạo Nhật, Hàn với giá vài chục ngàn đồng một ký cũng xuất hiện tại hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM như: Sài Gòn Co.op, Big C, Lotte... Các loại gạo này có bao bì trông rất đẹp, bắt mắt.
Tại siêu thị Big C, gạo Nhật đóng gói 5 kg có giá 164.000 đồng; tương đương 32.800 đồng/kg. Trong khi đó, cùng trọng lượng nhưng “gạo trắng Cần Thơ” chỉ có giá 53.500 đồng/bao 5 kg, tương đương 10.700 đồng/kg hay “gạo thơm Cần Thơ” cũng chỉ có 116.700 đồng/bao 5 kg, tương đương 23.300 đồng/kg. Ngoài ra tại Big C còn bán lẻ (cân ký) “gạo giống Nhật, sản xuất VN” với giá lên đến 39.700 đồng/kg. Trên bao bì của các sản phẩm này chỉ toàn chữ nước ngoài là Nhật - Anh; Hàn - Anh hay Thái - Anh. Nhiều sản phẩm còn dán thêm nhãn phụ tiếng Việt, nên khi nhìn vào nghĩ là hàng nhập khẩu.
Gạo Việt ngon đâu kém
Theo những thông tin ghi trên sản phẩm, chúng tôi liên lạc với các đơn vị sản xuất gạo Nhật, Hàn thì được biết đây không phải là hàng nhập khẩu mà là giống của nước ngoài được trồng tại VN. “Sở dĩ toàn chữ nước ngoài và nhãn phụ tiếng Việt vì là hàng xuất khẩu nên khi tiêu thụ ở thị trường nội địa phải tuân thủ các quy định như hàng nhập khẩu”, đại diện một đơn vị sản xuất gạo Nhật cho biết. Đại diện các siêu thị cũng cho biết, các loại gạo này đều là giống ngoại, sản xuất trong nước.
Ông Huỳnh Thanh Nhuận, Phó giám đốc ngành lương thực, phụ trách mảng kinh doanh nội địa của Tập đoàn Lộc Trời cho biết: "Tôi cho rằng nhiều sản phẩm gạo VN gắn mác ngoại chỉ để bán với giá cao hơn. Họ tranh thủ tâm lý thích sự mới lạ và thiếu thông tin của người tiêu dùng". Ông Nhuận cho hay, nhiều sản phẩn của công ty chất lượng cao được thế giới công nhận, được bán với giá phải chăng như: gạo Thiên Long làm từ giống AG103, có mùi thơm dứa nhẹ, cơm dẻo, đạt top 3 gạo ngon nhất thế giới của Tập đoàn Lộc Trời chỉ bán với giá 18.200 đồng/kg. Hay gạo Bắc Đẩu là gạo lúa mùa, chỉ trồng ở một số vùng và chỉ trồng được 1 mùa trong năm, giá mắc nhất là 26.000 đồng/kg. Gạo Bắc Đẩu có mùi thơm rất đặc biệt, dẻo vừa và cơm rất ngọt. Còn gạo Tiên Nữ là gạo giống lúa mới hoàn toàn do Lộc Trời nghiên cứu, mùi thơm, cơm dẻo giá bán cũng chỉ có 23.100 đồng/kg.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết: “Sản lượng gạo Campuchia, Thái Lan vào VN mỗi năm khoảng 1 - 1,5 triệu tấn. Gạo Thái cũng vào VN qua ngả Campuchia. Thương lái mua gạo Jasmine, Hom Mali của Thái hay gạo Sóc của Campuchia về trộn với các giống lúa chất lượng cao của VN như giống 3536 hay 4900 hay Huyết Rồng. Tỷ lệ pha trộn của từng doanh nghiệp khác nhau. Còn gạo Nhật, Hàn nhập vào rất ít, chỉ khoảng vài trăm tấn mỗi năm chủ yếu để phục vụ cho các nhà hàng, quán ăn của Nhật, Hàn hay một số ít những người dân của họ đang sống ở VN”.
GS-TS Võ Tòng Xuân, nói: Gạo Thái Lan, Campuchia bán ở VN có thể là thương lái trộn với giống ST5, ST20 của Sóc Trăng vô bao giả làm gạo Thái Lan vì đặc tính gạo hạt dài và chất lượng cũng đương đối giống nhau. Còn gạo Nhật có thể là họ đấu trộn giữa gạo giống Nhật trồng ở VN với gạo DS1, DS2 do VN lai tạo từ giống gạo Japonica. Gạo Nhật hay gạo Hàn Quốc đều là giống gạo Japonica có đặc tính nổi trội là dẻo, dễ kết dính nên thường được dùng làm sushi.
Đa phần là gạo nội giống ngoại
Các chuyên gia trong ngành nhận định thật ra các tên gạo ngoại bán trên thị trường đa phần đều là gạo Việt hay được trồng tại VN. Bản thân gạo Việt cũng có nhiều giống tốt chất lượng cao nhưng qua thời gian dài sản xuất bị giảm chất lượng, lẫn giống, thoái hóa... Chính vì vậy theo GS Xuân, chúng ta cũng không thể sản xuất theo các giống lúa truyền thống kiểu như họ. Vấn đề của chúng ta là phải đẩy mạnh khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là vấn đề mà người tiêu dùng rất quan tâm. Thứ hai là khẩu vị của mỗi vùng miền mỗi khác, ví dụ như Hàn Quốc, Nhật Bản họ thích ăn gạo hạt tròn dẻo cơm còn khu vực Đông Âu lại thích ăn gạo hạt dài, khô. Khẩu vị của người Việt chúng ta cũng không giống 2 xu hướng trên. Chính vì vậy chúng ta phải chọn tạo lại các giống lúa của mình, chỉ sản xuất một số giống nào đó thôi, không phải tràn lan hàng chục giống như hiện nay. Đặc biệt là phải sản xuất theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như VietGAP hay một số tiêu chuẩn khác.
GS Bửu bổ sung: Một thời gian rất dài tư duy làm nông của chúng ta là tăng năng suất, tăng sản lượng để chống đói. Khâu nghiên cứu khoa học trong công tác giống của chúng ta cũng đi theo hướng này. Trong khi đó các giống lúa thơm chất lượng cao của chúng ta lại đang bị thoái hóa. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy trong sản xuất từ việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học, làm giống”.
Tất cả các loại gạo có giá trị dinh dưỡng tương đương nhau
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: Về giá trị dinh dưỡng, gạo cung cấp chính là chất bột đường (một trong những nguồn năng lượng chính giúp cơ thể hoạt động), chỉ có một lượng rất nhỏ vitamin nhóm B (nằm ở phần vỏ gạo), và rất ít chất đạm nằm ở mầm gạo. Dù gạo được trồng ở thổ nhưỡng, khí hậu thế nào, hay khác nhau giống lúa thì cái chính gạo cung cấp vẫn là chất bột đường. Do vậy, sự khác nhau về mặt giá trị dinh dưỡng giữa gạo VN, gạo Nhật, gạo Hàn, hay gạo Campuchia... là rất nhỏ, không ảnh hưởng gì đến tình trạng dinh dưỡng ở người sử dụng cả. Hằng ngày cơ thể chúng ta cần cung cấp 60% chất bột đường, 25% chất béo, 15% chất đạm. “Vì vậy, không có lý do gì lại đi bỏ một khoản tiền cao gấp nhiều lần để mua gạo “ngoại”, trong khi giá trị dinh dưỡng cũng tương đương gạo VN”.
Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.