Mái che được lắp dọc vỉa hè tuyến đường, kết cấu khung sắt lợp tôn, đóng trần, vươn ra ngoài chừng 4m. Vật liệu của mái sẽ sử dụng loại bền, đẹp, thi công nhanh, kết hợp thiết kế màu sắc hài hòa với cảnh quan chung ở khu vực. Kinh phí lắp đặt bao gồm mua sắm vật tư, nhân công, thi công...
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, đường Lê Lợi hiện đã thông thoáng nhưng cảnh quan cùng các tiện ích phục vụ hoạt động mua sắm, đi bộ của người dân, du khách chưa đủ đáp ứng. Trong điều kiện chưa thể bố trí ngay mảng xanh đủ lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè, giải pháp thiết kế mái che sẽ giúp chống nắng, mưa, tạo điều kiện cho người đi bộ cũng như hoạt động kinh doanh dọc bên đường.
Đường Lê Lợi dài khoảng 1 km từ Nhà hát Lớn Thành phố (đường Đồng Khởi) đến chợ Bến Thành. Cùng với đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi là một trong những tuyến đường sầm uất bậc nhất tại TP.HCM. Ngay sau khi công trường tuyến metro hoàn trả mặt bằng, UBND quận 1 cũng đề xuất chuyển đường Lê Lợi thành phố đi bộ để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế đêm.
Xem nhanh 20h ngày 29.3: Lộ diện các doanh nhân chơi poker tiền tỉ | Tranh cãi mái che đường Lê Lợi
Xung quanh đề xuất này, có nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, giống đường Nguyễn Huệ, người dân thường đi bộ vào ban đêm nên không nhất thiết phải làm mái che hết cả tuyến đường bởi mái tôn rất nóng, gây ngột ngạt. Nếu quản lý không tốt sẽ trở thành nơi tụ tập của người vô gia cư, hàng rong... Chưa kể còn có khả năng bị chiếm dụng làm quán vỉa hè gây nhếch nhác. Ngoài ra, làm mái che không chỉ tốn kinh phí xây dựng, mỗi năm còn thêm kinh phí duy tu, bảo dưỡng...
Theo kiến trúc sư Trần Tuấn, dùng 20 - 30 tỉ đồng làm mái che để sau này bỏ đi thì rất lãng phí, chưa kể việc làm máy che toàn tuyến đường khiến mất cảnh quan và không gian của con đường. Để có chỗ cho người đi bộ tránh nắng, tránh mưa có thể xây thêm một số nhà chờ, như nhà chờ xe buýt. Ngoài ra làm một số khung để trồng cây leo, giàn hoa. Nếu dùng số tiền này trồng cây xanh, 2 - 3 năm nữa con đường này sẽ rợp bóng cây
"Tại sao thành phố không trồng lại cây xanh như cũ. Hướng từ chợ Bến Thành đến Nhà hát Lớn Thành phố phía bên phải có hàng cây xanh cũ. Bên phía tay trái vì xây metro ngầm nên đã phá bỏ hàng cây xanh, nên trồng lại cây xanh như đường Nguyễn Huệ. TP.HCM khí hậu nắng nóng rất cần cây xanh hơn mái che bằng tôn", kiến trúc sư Trần Tuấn nêu quan điểm.
Tuy nhiên, kiến trúc sư Trần Thanh Hải lập luận, tại các thành phố lớn, nhất là các tuyến đường gần các ga metro chính, các mái che thường được lắp đặt hai bên đường. Bởi ngoài che nắng còn giúp che mưa để hành khách khi từ metro lên tỏa đi các hướng, nếu gặp mưa sẽ có nơi trú chân. Điều này khuyến khích người dân đi metro và đi bộ. Ngoài ra, tại các tuyến đường như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng khởi có nhiều trung tâm mua sắm nên người dân khi đi mua sắm xong sẽ tỏa ra đường và các mái che là nơi để họ nghỉ chân, ngắm cảnh.
Đề xuất lắp mái che trên đường Lê Lợi: Người dân và du khách góp ý gì?
Dù vậy, để nhanh có bóng mát cho tuyến đường, ông Trần Thanh Hải đề xuất trồng cây bàng Đài Loan 2 bên đường, vừa đẹp, cao, bóng phủ rợp mát và đặc biệt các cành nhỏ nên không gây nguy hiểm nếu bị gãy. "Thiết nghĩ cơ quan chức năng nghiên cứu trồng cây này vì tán rộng, phát triển nhanh và dễ chăm sóc. Loại cây này đã được trồng rất nhiều ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7)"- ông Hải nêu ý kiến.
Bình luận (0)