Lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa: Nên hay không?

24/10/2024 08:29 GMT+7

Việc lập hay không quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa trở nên sôi nổi trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự án luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chiều 23.10.

Quỹ bảo tồn di sản sẽ hiệu quả

Đại biểu (ĐB), thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên), bày tỏ đồng tình với đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa (DSVH), cho rằng rất cần thiết thành lập quỹ này. "Dù có những ý kiến cho rằng đâu đó có những loại quỹ ngoài ngân sách nhà nước đã được thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả. Có quỹ thành lập ra mà không huy động được nguồn lực xã hội đóng góp cho quỹ. Nhưng đối với lĩnh vực bảo tồn DSVH thì tôi có niềm tin quỹ thành lập ra sẽ phát huy hiệu quả", ĐB tỉnh Điện Biên nói.

Ông phân tích nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. Nhiều di tích, DSVH đang bị xuống cấp, mai một do thiếu kinh phí duy trì. Ông dẫn ví dụ di tích Đồng Dương ở Quảng Nam hiện đang "kêu cứu" vì đang ở tình trạng khẩn cấp, cần nguồn lực để khôi phục… Để Quỹ bảo tồn DSVH hoạt động hiệu quả, ĐB tỉnh Điện Biên cho rằng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, phí cho tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho quỹ nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa… ĐB cũng đề nghị cho phép các tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận thành lập quỹ, nhằm tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn DSVH.

ĐB Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cũng dẫn chứng, tại làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, H.Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tới 3 di sản vô cùng quý giá, đã được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, điều kiện của một gia đình, dòng họ rất hạn chế, ảnh hưởng tới việc bảo tồn những tài sản vô giá này. "Nếu sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư chỗ này thì rất khó, vì đây là tài sản của một gia đình, dòng họ. Nhưng nếu có quỹ để sử dụng trong tình huống như thế này thì rất tốt", ĐB Hà Tĩnh phân tích.

Tuy nhiên, ĐB Trần Đình Gia lại bày tỏ không đồng tình với đề xuất mở rộng thẩm quyền, cho phép tổ chức tôn giáo có thể thành lập quỹ như đề xuất của thượng tọa Thích Đức Thiện. Theo ĐB, Quỹ bảo tồn DSVH là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nên phải do cơ quan nhà nước thành lập, quản lý.

Lo rủi ro, khó khăn khi thực hiện

Ngược lại, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần cân nhắc việc thành lập quỹ. "Phải nói hiện nay chúng ta thành lập rất nhiều quỹ. Trước đây, Quốc hội (QH) từng giám sát quỹ tài chính ngoài ngân sách đã khẳng định nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả. Đã có ý kiến nên giảm quỹ tài chính ngoài ngân sách. Nhưng từ QH khóa XIV tới nay, các cơ quan trình dự thảo luật phần lớn đều có đề nghị thành lập quỹ và được QH chấp nhận. Mà thành lập lúc nào cũng có lý do chính đáng hết. Như vậy chúng ta không giảm quỹ mà tăng quỹ", ông Hòa nói.

ĐB Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) phân tích theo dự thảo thì nguồn thu của quỹ là từ nguồn viện trợ và tài trợ khác, có nghĩa là "chưa rõ về nguồn thu". Trong khi đó, trong 4 nhiệm vụ chi thì có 3 nhiệm vụ có thể chi từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời có cả nhiệm vụ chi trùng với nhiệm vụ chi trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa mà QH sắp thông qua. Từ đó, nữ ĐB cho rằng việc thành lập Quỹ bảo tồn DSVH đặt ra từ thực tiễn, song cũng sẽ dẫn đến rủi ro. Đó là sự phân tán nguồn lực ngân sách nhà nước, đồng thời khó khăn khi triển khai tổ chức thực hiện. "Khi nguồn lực không được thể hiện một cách rõ ràng thì sẽ rất khó để tổ chức thực hiện. Đặc biệt là đối với các địa phương, việc thành lập, duy trì và quản lý vận hành các quỹ này sẽ vô cùng khó khăn", ĐB Hà Giang nêu; đồng thời dẫn chứng ngay Quỹ bảo tồn di sản Huế huy động từ ngân sách của tỉnh, thành phố khác hỗ trợ nhưng sau 3 năm thành lập thì nguồn thu chỉ được hơn 8 tỉ đồng và cũng gặp vô số khó khăn.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh Quỹ bảo tồn DSVH là cơ chế để tiếp nhận đóng góp của xã hội cho việc bảo tồn DSVH khi nguồn lực từ ngân sách cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Cạnh đó, bảo tồn DSVH là lĩnh vực đặc biệt, phải do cơ quan quản lý tổ chức và thực hiện, nên việc thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là cần thiết. "Luật cũng quy định không nhất thiết địa phương nào cũng thành lập. Có thể chỉ thành lập ở những địa phương có điều kiện", ông Vinh nêu rõ.

Sáng 23.10, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên, Ủy ban Thường vụ QH cho biết đang có nhiều luồng ý kiến về nội dung quy định người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ bị giam giữ tại trại giam riêng.

Có ý kiến nhất trí với quy định về trại giam riêng, nhưng đề nghị tính toán hiệu lực thi hành có thể muộn hơn (khoảng 2 - 3 năm) để chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, đất đai, xây dựng. Có ý kiến đề nghị khi xây trại giam riêng thì tổ chức lấy ý kiến của công an địa phương, cũng có ý kiến đề nghị không xây dựng trại giam riêng mà chỉ quy định tổ chức phân trại hoặc khu giam giữ riêng trong trại giam...

Theo Ủy ban Thường vụ QH, hiện số lượng người chưa thành niên chấp hành án tại các trại giam không lớn, nhưng được bố trí ở nhiều trại giam trên cả nước, một số trại chỉ có khoảng hơn 20 phạm nhân, nên rất khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề, cũng như khó đáp ứng được các yêu cầu riêng đặt ra đối với người chưa thành niên. Để đáp ứng yêu cầu phải có khu vực chấp hành án dành riêng, vừa có nhiều lựa chọn cho cơ quan thực thi và vừa bảo đảm tính ổn định của luật, Ủy ban Thường vụ QH đã đề nghị chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định về cả 3 mô hình gồm trại giam riêng, phân trại và khu giam giữ riêng. Việc lựa chọn mô hình nào sẽ do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế. Đồng thời, quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2028 (chậm 2 năm so với thời điểm luật có hiệu lực - PV).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.