Lên mạng tìm bạn đi du lịch khắp nơi
Những ngày cuối năm, Phan Ngọc Anh, 27 tuổi, làm việc tự do trong ngành video giải trí, trú đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM lên một group chuyên về du lịch trên Facebook viết lời mời “Nhớ Sa Pa quá. Lập team thăm Sa Pa, leo Phan-xi-păng. Anh em nào đi đặt gạch nhé”. Dòng trạng thái này của Ngọc Anh thu hút đông đảo ý kiến dân mạng khắp nơi, sau 3 ngày anh lập được nhóm 6 người cùng khoác ba lô đi Sa Pa, dự kiến sẽ chào đón năm mới 2019 ở trên đỉnh Phan-xi-păng.
Hồi giữa năm 2018, Lưu Văn Nam, 25 tuổi, trú khu chung cư 1050 đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP.HCM đam mê xê dịch đã có chuyến đi trekking (đi bộ xuyên rừng) Tà Năng - Phan Dũng cùng một nhóm được xây dựng trên Facebook. “1/3 trong nhóm là bạn bè thân thiết từng đi chơi với nhau nhiều lần rồi, còn lại là ghép từ bên ngoài vào. Chúng tôi có trưởng nhóm, mọi người cũng đều có kinh nghiệm từ trekking nhiều lần trước đó nên chuyến đi an toàn và vui, không có vấn đề gì”, Nam nói.
|
|
Chị Nguyễn Thị Diệp Anh, quản lý condotel Hạ Long (chung cư cho khách du lịch trải nghiệm kiểu homestay) cho biết, hình thức cùng rủ nhau đi du lịch chung có cách đây vài năm, các bạn trẻ phát huy sức mạnh của internet, mạng xã hội rộng mở kết nối mọi người gần hơn với nhau. “Tôi nhớ từ những năm 2015, 2016 đã nổi lên một group trên Facebook chuyên kết bạn lập nhóm đi săn mây Tà Sùa”, chị Diệp Anh cho hay.
Trong năm 2018, chị Diệp Anh cũng từng có chuyến du lịch ngẫu hứng khám phá Sa Pa, Cổng Trời theo kiểu đi cùng những bạn bè mới, chưa từng đi cùng nhau bao giờ.
“Khi tôi lên tới Sa Pa, gặp một nhóm các bạn ở cùng khách sạn và buổi tối ăn cơm chung tại khách sạn (bữa ăn tối thân mật cho tất cả các khách, mỗi khách đóng 100.000 đồng), sau một hồi làm quen nói chuyện, mọi người có rủ nhau đi chơi vào ngày mai, vậy là lập team cùng nhau. Đi chơi cùng mọi người rất vui, lần đó tôi đi cùng nhóm bạn nước ngoài, vừa được khám phá Sa Pa, vừa được học tiếng lại biết thêm văn hóa ở các nước của các bạn. Đi du lịch chung, mỗi người mỗi tính nhưng vì đã cùng nhóm nên mọi người đều vì nhau và giúp đỡ nhau. Các bạn có sức khỏe thì giúp các bạn yếu lái xe, giúp nhau leo các chỗ đường đi khó, có cảnh gì đẹp hay món gì ngon là dừng lại. Đi hết một ngày về khách sạn ai cũng mệt nhưng mà vui, tối lại cùng nhau hò hét. Điều này khác hoàn toàn hôm tôi lên Sa Pa 1 mình. Vì đi chơi 1 mình nên tôi không đi được nhiều vì con gái đi xe còn yếu và không dám đi xa. Sau chuyến đi về tôi có thêm trải nghiệm du lịch kiểu mới, kết bạn tứ phương, bây giờ thỉnh thoảng các bạn vẫn nhắn tin hỏi thăm nhau”, Diệp Anh kể lại.
Cảnh giác không thừa
Nhanh chóng, dễ dàng là có thể có bạn đồng hành, chẳng sợ gì cô đơn, thế nhưng kiểu lập team đi du lịch trên mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Anh Lưu Văn Nam cho rằng không nên đi du lịch với tất cả mọi người đều xa lạ, trong nhóm ít nhất nên phải là 1/3 là những người đã từng quen biết nhau, điều này vừa có thể đoàn kết, hỗ trợ nhau khi có sự cố, vừa có thể hạn chế rủi ro. "Trước khi đi du lịch, mọi người cùng nên gặp gỡ, nói chuyện với nhau, hoặc qua trưởng đoàn nên hỏi trước về tất cả những thành viên còn lại để biết tuổi tác, công việc, tính cách của người đó...", anh Nam nói.
Chị Hoàng Phương Anh, người chuyên kết nối khách du lịch với các homestay tại Sa Pa (Lào Cai) cho rằng giới trẻ ngày nay tự do, tư duy thoáng, dễ dàng kết bạn và tìm kiếm những người cùng chia sẻ cảm xúc trong vài ba ngày ngắn ngủi, không muốn ràng buộc gì nhau. Tuy nhiên cần phải cảnh giác bởi có nhiều người lừa đảo hoặc gặp yêu râu xanh núp danh người thích đi phượt, mê du lịch.
|
“Tôi gặp nhiều trường hợp người trưởng nhóm đứng ra thu tiền của mọi người để cùng đi, bất ngờ trốn luôn, mọi người tìm không ra. Cũng có một số bạn nam, không thích 'phượt', không hiểu về 'phượt' mà chỉ lên mạng, tìm các team du lịch có các bạn nữ có vẻ yếu đuối để có thể lợi dụng khi đi du lịch cùng. Vì khi đến những vùng đất mới, cùng giúp đỡ nhau, dễ nảy sinh tình cảm. Tôi nghĩ ác bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ về các thành viên của team trước khi quyết định đi du lịch kiểu này, nên biết bảo vệ bản thân...”, chị Phương Anh nói.
Ý kiến:
“Tôi nhát gan nên không dám tham gia những chuyến đi với những người xa lạ, bạn bè tôi thì đi khá nhiều. Đi du lịch cần sự thoải mái, nếu đi nhưng nơm nớp lo, hoài nghi nhau, thì thà không đi còn hơn”, Lưu Thị Trinh, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
“Tôi nghĩ nếu lập hội nhóm đi du lịch cũng là một cách hay, kết nối mọi người từ không quen biết thành quen biết. Theo tôi, trước các chuyến đi, mọi người nên gặp nhau, nói chuyện để làm quen với nhau, đây cũng là cách để hiểu về những người sẽ đồng hành với mình, tránh mạo hiểm”, Phan Văn Đức, 22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Văn Lang.
|
Bình luận (0)