Lập trình viên ứng dụng: Làm tại Việt Nam, kiếm tiền quốc tế

06/07/2024 15:03 GMT+7

Phát triển ứng dụng được nhận định là lĩnh vực kinh tế mới khi có khả năng mang lại nguồn thu không giới hạn biên giới cho những người làm nghề.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng gần đây Việt Nam giữ vững hạng 11 toàn cầu về lượt tải ứng dụng di động, đứng thứ 31 quốc tế về doanh thu thanh toán qua phần mềm, là những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang có một nền kinh tế ứng dụng phát triển rất nhanh.

Khác với trước đây khi người dùng có thói quen chỉ sử dụng các phần mềm miễn phí, hiện nay xuất hiện xu hướng gia tăng lượt tải những chương trình trả phí, với tăng trưởng lên tới 11% so với cùng kỳ 6 tháng trước. Số liệu từ Data.ai cho thấy Việt Nam không trong nhóm đầu về doanh thu từ ứng dụng nhưng cũng nằm trong Top 6 toàn cầu về mức tăng trưởng quỹ thời gian người dùng dành để sử dụng phần mềm. Trong đó, năm 2023, người Việt bỏ thêm 11,8 tỉ giờ để dùng phần mềm (chỉ tính riêng Android), tương ứng mức tăng 12,8% so với năm trước đó.

Lập trình viên ứng dụng di động có cơ hội kiếm được doanh thu lớn từ sản phẩm xuyên biên giới của mình cũng như quảng cáo trong nền tảng

Lập trình viên ứng dụng di động có cơ hội kiếm được doanh thu lớn từ sản phẩm xuyên biên giới của mình cũng như quảng cáo trong nền tảng

Chụp màn hình

Công ty Yandex - hãng công nghệ hàng đầu có trụ sở tại Nga đánh giá chung Đông Nam Á là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp phát triển cũng như tìm kiếm nguồn thu từ việc lập trình ứng dụng.

"Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp ứng dụng khi sở hữu lượt tải về cao thứ hai tại khu vực, đồng thời có tỷ lệ người dùng di động trên tổng số dân lớn", bà Nana Phan, người phụ trách Quan hệ chiến lược của Yandex Ads khu vực Đông Nam Á cho biết. Khảo sát của đơn vị này cũng cho thấy quảng cáo hiện là một trong những nguồn thu chính, chiếm trung bình 40% tổng doanh thu tạo ra từ ứng dụng.

Việt Nam có tới 84% người dùng điện thoại đang sử dụng smartphone và định hướng đạt 100% vào cuối năm 2024. Bên cạnh đó, số lượng người dùng của mỗi phần mềm cũng đông đảo: ít nhất 7 ứng dụng tại Việt Nam có trên 10 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên; 10 chương trình có từ 5 tới 10 triệu tài khoản và khoảng 43 phần mềm có 1 - 5 triệu người dùng tích cực. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội phát triển cho lập trình viên, các nhà phát hành ứng dụng di động.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Nana Phan cho biết hiện nay hoạt động kinh doanh ứng dụng di động (mobile app) tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và dự kiến khoản thu nhập từ quảng cáo trong ứng dụng sẽ chiếm hơn 50% doanh thu của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển phần mềm cho nền tảng di động. Theo bà, Việt Nam đang là một trong những thị trường dẫn đầu về quảng cáo di động tại châu Á, có xu hướng đồng nhịp với thị trường toàn cầu.

Bà Nana Phan nhận định ứng dụng, đặc biệt là game Việt có cơ hội tăng doanh thu từ thị trường Nga

Bà Nana Phan nhận định ứng dụng, đặc biệt là game Việt có cơ hội tăng doanh thu từ thị trường Nga

CTV

"Với chất lượng sản phẩm tương đối cao, nhiều nhà phát triển ứng dụng của Việt Nam có đủ khả năng để thu hút tập người dùng nước ngoài, ví dụ như chinh phục tập người dùng nói tiếng Nga, mang về doanh thu", bà Nana Phan nói. Tại Nga, ứng dụng "Made in Vietnam" chủ yếu nổi tiếng ở mảng game, tiện ích chỉnh sửa (hình ảnh, video), các phần mềm thuộc danh mục du lịch, giải trí...

Game cũng là một trong những định hướng phát triển ở lĩnh vực lập trình ứng dụng tại Việt Nam, thời gian gần đây khi ngoài việc đào tạo lập trình viên nói chung, một số đơn vị đào tạo bắt đầu tập trung phát triển các kỹ sư chuyên về thiết kế ứng dụng trò chơi trên di động. "Game đã trở thành mũi nhọn của ngành kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam", ông Phạm Văn Thành, Giám đốc VTC Game chia sẻ tại sự kiện Ngày hội Game Việt Nam diễn ra hồi tháng 4.2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.