Gần 50 năm dành cho khoa học, giờ đây Giáo sư Trần Thanh Vân lại tình nguyện làm người bắc cầu cho khoa học Việt Nam và thế giới bằng việc xây dựng Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại Quy Nhơn (Bình Định).
Giáo sư Trần Thanh Vân sinh năm 1937 tại Việt Nam. Từ năm 1953, ông sang Pháp học ngành vật lý nguyên tử. Sau khi được phong hàm giáo sư, ông vừa giảng dạy tại ĐH Sư phạm Paris vừa tiếp tục tìm hiểu về vật lý hạt nhân và trở thành Giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp. Ông là người Việt Nam đầu tiên nhận huy chương AIP Tate 2011 dành cho nhà lãnh đạo quốc tế trong lĩnh vực vật lý.
Giáo sư Vân cho rằng trung tâm sẽ là nơi tập trung chất xám để cùng trao đổi, nghiên cứu và có được những phát minh mới về khoa học. Ông khẳng định: “Khi quyết định xây dựng trung tâm, chúng tôi đã kỳ vọng nó sẽ là điểm nhấn không chỉ của Việt Nam mà cho cả vùng Đông Nam Á. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung trên thế giới”.
Nói về hoạt động của trung tâm, Giáo sư Trần Thanh Vân mong muốn: “Mục tiêu của trung tâm là giúp nền khoa học Việt Nam có sự liên kết với khoa học thế giới. Khi trung tâm đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ hướng đến việc đào tạo miễn phí. Chúng tôi không muốn làm việc theo tinh thần xin - cho mà sẽ độc lập về tài chính”. Vì vậy, Giáo sư đã dành 2 triệu USD tích cóp cả đời cho trung tâm. Tâm sự về điều này, ông nói: “Chúng tôi chỉ là những người bắc cầu, còn việc đi trên chiếc cầu đó như thế nào phải do các nhà khoa học Việt Nam quyết định. Chúng tôi tạo cơ hội và các nhà khoa học Việt Nam sẽ là những người dùng cơ hội đó để đi xa hơn”.
Trần Thị Duyên
Bình luận (0)