Lật lại hồ sơ vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff: Sự lãng quên kỳ lạ

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
16/04/2023 06:15 GMT+7

Wilhelm Gustloff bị tàu ngầm Liên Xô tấn công bất ngờ trên biển Baltic bằng 4 quả ngư lôi, trong đó 1 quả bị… tịt!

Ngày 11.1.1945, S-13 rời Hanko ở Phần Lan để bắt đầu hành trình sau nhiều tháng. Gần ba tuần sau, nó vẫn đang tìm kiếm mục tiêu đầu tiên. Vào đêm 30.1, khi đang di chuyển trên mặt nước, Marinesko đã thấy thứ mà ông đang tìm kiếm: một mục tiêu lớn - tàu Wilhelm Gustloff - cách bờ biển 25 hải lý, theo trang The Past.

Marinesko ra lệnh bắn 4 quả ngư lôi. Một quả mắc kẹt trong ống phóng nhưng 3 quả còn lại lao về phía trước.

Ba cú nổ long trời nâng chiếc tàu Đức lên khỏi mặt nước. Sau đó, nó bắt đầu nghiêng khi nước tràn vào. Ba vụ nổ cũng vô hiệu hóa các động cơ, làm tắt nguồn điện và nhấn chìm con tàu vào bóng tối. Người điều hành vô tuyến điện đã gửi tín hiệu cấp cứu bằng nguồn điện khẩn cấp, nhưng vì tần số anh ta đang sử dụng không phải là tần số Hải quân nên vô hiệu.

Lật lại hồ sơ vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff: Sự lãng quên kỳ lạ - Ảnh 1.

Một bản vẽ dựng lại của Nga về vụ tấn công bằng ngư lôi chí mạng vào tàu Wilhelm Gustloff

THE PAST

Trong khi đó, các hành khách mặc áo phao cố gắng lên boong tàu, nơi thủy thủ đoàn đang kéo tời bị đóng băng để hạ xuồng cứu sinh một cách tuyệt vọng.

Một số thủy thủ khác đi xuống bên dưới để cố gắng đóng kín các cửa ngăn không cho nước tràn lên nhưng vẫn không cứu được con tàu mà chỉ khiến họ bị mắc kẹt.

Hành khách trên tàu cũng chẳng khá hơn là bao. Ngay cả khi có thể tìm ra đường đi dọc theo những hành lang tối tăm, họ cũng không biết làm cách nào để nhanh chóng thoát ra do không nắm cách bố trí của con tàu.

Những người may mắn lên được boong tàu nhận thấy trật tự đã hoàn toàn bị phá vỡ, vì không ai có thể phụ trách việc chất và hạ thủy các xuồng hay bè cứu sinh đúng cách. Nhiều thủy thủ chỉ quan tâm đến việc cứu lấy mạng sống của chính họ, tranh giành với hành khách để giành một vị trí trên xuồng cứu sinh.

Những người phụ nữ ôm chặt trẻ sơ sinh trong tay cầu xin bất cứ ai có nhiều khả năng sống sót hơn hãy nhận lấy đứa trẻ. Hành khách đáng thương nhất là các bà bầu và thương binh nặng. Họ hầu như không có hy vọng được cứu.

Thỉnh thoảng tiếng súng vang lên trong bầu không khí lạnh giá. Các sĩ quan vũ trang bắn cảnh cáo, cố gắng kiểm soát sự hoảng loạn, một vài hành khách có súng thì tự sát.

Trong số những người hùng có trường hợp của một phụ nữ lớn tuổi đã cứu một cô gái tuổi teen bằng cách đẩy cô ấy vào góc tường, khoác cho cô chiếc áo lông thú, sau đó nhảy xuống biển để cô gái có cơ hội được sống.

Lật lại hồ sơ vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff: Sự lãng quên kỳ lạ - Ảnh 2.

Tàu General Steuben bị đánh chìm vào ngày 2.2.1945

THE PAST

Một thủy thủ vạm vỡ kéo một cô gái lên xuồng cứu sinh bằng cách đẩy những người đàn ông tuyệt vọng ra khỏi xuồng. Số đàn ông có súng đi cùng gia đình đã giết người thân của họ một cách nhanh chóng hơn là để họ chết dần chết mòn trong làn nước băng giá. Nhiệt độ nước biển vào thời điểm đó khoảng 4ºC.

Một quan chức Đức Quốc xã và vợ anh ta đã thỏa thuận tự sát, nhưng sau khi giết vợ anh ta không thể tự kết liễu đời mình. Một người lính gần đó quá ghê tởm và hạ gục vị quan chức này bằng vũ khí của mình.

Ở dưới nước, những người sống sót trên xuồng, bè cứu sinh cũng không thể an toàn. Khi nhiều người cố gắng trèo lên, những người đang ngồi trên đó đấm họ cho đến khi số lượng người quá lớn cố trèo lên làm lật xuồng, đẩy toàn bộ mọi người xuống nước và chết đuối.

Thật đáng xấu hổ, một số sĩ quan của con tàu, bao gồm cả Thuyền trưởng Petersen, là những người đầu tiên xuống xuồng cứu sinh. Một số chỉ huy sau khi ra lệnh "bỏ tàu" đã nhảy qua một chiếc bè. Rất nhiều người chết trong đêm đó, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào cả thuyền trưởng và các chỉ huy con tàu đều sống sót?

Một số người tìm thấy nơi có vẻ an toàn khi con tàu nghiêng và ở lại đó, hy vọng được giải cứu trước khi tàu chìm. Những người khác quyết định tận dụng cơ hội bằng cách nhảy xuống vùng nước lạnh giá. Và vẫn có những người không còn lựa chọn nào: con tàu nghiêng dần khiến họ trượt qua boong và rơi xuống biển.

Một nhóm tưởng rằng đã thành công khi lên đến boong và leo lên phần phía trên có kính bao quanh. Ở đó, các thủy thủ được vũ trang duy trì trật tự, đảm bảo với họ rằng sẽ được giải cứu nếu giữ bình tĩnh.

Mọi chuyện kết thúc trong vài phút. Con tàu lật nghiêng cho đến khi ống khói ngang mặt nước. Những hành khách ngoan ngoãn đứng trên boong chờ đợi giải cứu đã lao qua cửa sổ và rơi xuống biển.

70 phút sau khi trúng ngư lôi, tàu Wilhelm Gustloff chìm xuống biển Baltic. Nồi hơi trên tàu phát nổ, khởi động lại máy phát điện trong thời gian ngắn, khiến con tàu sắp chết sáng lên một cách kỳ lạ rồi biến mất khỏi tầm nhìn.

Biển rải rác những chiếc xuồng và bè cứu sinh. Tiếng kêu cứu thảm thiết vang vọng vài phút rồi từ từ chìm vào im lặng. Nhiều năm sau, những người sống sót nói rằng họ không bao giờ quên được những tiếng thét đó. Trong nhiều tuần sau, hàng trăm thi thể đông cứng dạt vào bờ biển gần đó.

Không ai được tôn vinh

Con số chính xác người chết đêm 30.1 chưa bao giờ được thống kê. Các ước tính dao động từ mức thấp nhất là 6.500 đến cao nhất là 9.300 người. Chính quyền Đức Quốc xã vào thời điểm đó không hề thông báo số tử vong.

Bất kể tổng số người trên tàu khi rời cảng Gotenhafen là bao nhiêu, chỉ có hơn 900 người sống sót. Những nỗ lực trục vớt của Đức sau chiến tranh cuối cùng chỉ mang lại chiếc chuông đồng của con tàu. Baltic vẫn là mồ chôn Wilhelm Gustloff và hàng nghìn hành khách.

Lật lại hồ sơ vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff: Sự lãng quên kỳ lạ - Ảnh 3.

Tàu Goya chìm ngày 16.4.1945

THE PAST

Sau đó, người Đức tuyên bố, không có bằng chứng Wilhelm Gustloff đã mang theo "Căn phòng hổ phách" nổi tiếng của Cung điện Sa hoàng, bị Đức Quốc xã cướp khỏi Leningrad trước đó trong chiến tranh.

Cuộc di tản bằng đường biển của Đô đốc Karl Doenitz tiếp tục kéo dài đến ngày 8.5, mang đi hơn 2 triệu người Đức, khiến hàng chục nghìn người khác chết dưới biển Baltic. Tàu General Steuben bị đánh chìm vào ngày 2.2, cũng bởi S-13, và tàu Goya vào ngày 16.4. Mỗi chiếc đều thiệt hại hàng nghìn sinh mạng. Hannibal là chiến dịch quy mô lớn cuối cùng của Đệ tam Quốc xã trước khi đầu hàng vào ngày 8.5.1945.

Hành động trốn thoát của Thuyền trưởng Petersen đã bị lên án nặng nề và ông không bao giờ chỉ huy một con tàu nào nữa.

Thuyền trưởng Marinesko, lẽ ra phải là Anh hùng Liên Xô, lại không được khen tặng. Mặc dù sau đó ông đánh chìm thêm tàu General Steuben chở 4.000 hành khách, khiến ông trở thành chỉ huy tàu ngầm thành công nhất của Liên Xô ở Baltic nhưng ông chưa bao giờ được cấp trên ghi nhận trong cả hai vụ đánh chìm tàu địch. Marinesko đã dành 15 năm tiếp theo đấu tranh để được công nhận nhưng chỉ thành công trong việc tạo ra kẻ thù và khiến bản thân bị giáng chức, bị đuổi khỏi quân ngũ.

Việc đánh chìm tàu khách là hành động thời chiến hợp pháp hay tội ác chiến tranh cũng được tranh luận. Cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu luật biển của Đức đã đưa ra quyết định Wilhelm Gustloff là mục tiêu quân sự hợp pháp vì nó được trang bị vũ khí và chở theo lính Hải quân.

Câu chuyện về Wilhelm Gustloff hầu như không được kể ở phương Tây trong nhiều năm, vì nhiều nguyên nhân. Người Đức không có lý do gì để nhớ đến vụ việc kinh hoàng đó, đặc biệt là hàng loạt sai lầm của các quan chức đã góp phần tạo nên thảm kịch.

Lật lại hồ sơ vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff: Sự lãng quên kỳ lạ - Ảnh 4.

Đô đốc Karl Doenitz coi “Chiến dịch Hannibal”, chiến dịch lớn cuối cùng của Hải quân Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, là một thành công lớn, bất chấp những thảm họa như vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff

THE PAST

Trong hồi ký xuất bản năm 1959, Đô đốc Doenitz ước tính những người thiệt mạng trong "Chiến dịch Hannibal" chỉ chiếm 1% trong tổng số được cứu qua cuộc sơ tán và coi đây là một hành động đáng tự hào cuối cùng của Hải quân Đức. Người Liên Xô cũng không ăn mừng vụ đánh chìm tàu hay tôn vinh người chỉ huy tàu ngầm của họ.

Thảm họa Wilhelm Gustloff còn tồi tệ hơn cả vụ đắm tàu Titanic năm 1912 (1.600 người chết) và tàu Lusitania năm 1915 (1.198 người chết). Nó được so sánh với vụ đánh chìm tàu Lancastria vào ngày 17.6.1940 bởi máy bay Đức trong cuộc di tản của Anh khỏi St Nazaire ở Pháp. Tuy nhiên vụ chìm tàu đó đã giết chết "chỉ" khoảng 4.000 người.

Vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff đặc biệt bi thảm vì không thể rút ngắn được cuộc chiến dù chỉ một ngày, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người vô tội và không một ai được tôn vinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.