Lật lại hồ sơ vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff: Số tử vong cao nhất lịch sử

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
15/04/2023 06:30 GMT+7

Vụ đắm tàu Titanic thường được dư luận nhắc đến nhưng nếu so sánh về con số tử vong của Titanic (1.600 người) với tàu Wilhelm Gustloff (9.300 người) thì quả là khủng khiếp.

Vào đêm 30.1.1945, con tàu Wilhelm Gustloff của Đức đang di chuyển qua biển Baltic thì bị 3 quả ngư lôi của Liên Xô đánh trúng, khiến nó chìm xuống đáy biển chỉ trong thời gian ngắn.

Wilhelm Gustloff là tàu chở khách, không phải tàu chiến, chở hơn 9.000 người không tham chiến chạy trốn chiến tranh. Tất cả - trừ vài trăm người sống sót - đã chết vào đêm đó. Đây là vụ thiệt hại nhân mạng lớn nhất lịch sử hàng hải.

Wilhelm Gustloff là một phần trong cuộc di tản lớn của quân Đức khỏi mặt trận phía Đông trước sự tiến công của Liên Xô. Khi sự kháng cự của quân Đức sụp đổ, Đô đốc Karl Doenitz đã tổ chức cuộc giải cứu trên biển có mật danh là "Chiến dịch Hannibal".

Lật lại hồ sơ vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff: Số tử vong cao nhất lịch sử  - Ảnh 1.

Wilhelm Gustloff là tàu chở khách được chế tạo để đưa những người Đức thuộc tầng lớp lao động đi nghỉ như một phần trong phong trào “Sức mạnh thông qua niềm vui” của Hitler

THE PAST

Chiến dịch này được thực hiện từ một số cảng quanh vịnh Danzig, bao gồm cả Gotenhafen (nay là Gdynia, Ba Lan). Hitler từ chối cho phép Tập đoàn quân phía Bắc tiến hành một cuộc rút lui có tổ chức, ra lệnh cho họ giữ vững "những nơi kiên cố".

Hàng chục nghìn người tị nạn tràn vào các cảng do Đức nắm giữ với hy vọng thoát khỏi sự trả thù của Hồng quân vì những gì Đức Quốc xã đã làm ở Liên Xô. Hạm đội tập hợp dưới quyền Doenitz thực hiện các chuyến đi lặp đi lặp lại giữa các cảng ở Baltic và khu vực tương đối an toàn ở phía bắc nước Đức, Đan Mạch, mang theo càng nhiều quân Đức càng tốt.

Bộ chỉ huy cấp cao của Đức đặc biệt quyết tâm cứu các thủy thủ đoàn tại căn cứ huấn luyện tàu ngầm ở Gotenhafen.

Khi cuộc di tản bắt đầu, tàu Wilhelm Gustloff trước đó đã bị neo ở bến trong 4 năm, đóng vai trò là "doanh trại nổi" cho các học viên tàu ngầm U-boat.

Lật lại hồ sơ vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff: Số tử vong cao nhất lịch sử  - Ảnh 2.

Binh lính bị thương được chuyển về Đức tháng 7.1940

THE PAST

Ban đầu Wilhelm Gustloff là một phần của đội tàu chở khách trong phong trào "Sức mạnh thông qua niềm vui" để đưa những người Đức thuộc tầng lớp lao động đi nghỉ mát. Con tàu được đóng vào những năm 1930 để thể hiện tiềm năng của ngành công nghiệp đóng tàu của Đức Quốc xã, đồng thời cung cấp các chuyến du ngoạn trong kỳ nghỉ với chi phí thấp cho tầng lớp lao động Đức.

Wilhelm Gustloff dài 208 m, ngang 23 m, cao 56 m, được hạ thủy vào năm 1937 dưới sự giám sát chặt chẽ của Hitler, và được đặt tên để vinh danh một người Thụy Sĩ "tử vì đạo" cho Chủ nghĩa Quốc xã do bị ám sát vào năm 1936.

Đầu Thế chiến thứ II, Wilhelm Gustloff phục vụ như tàu bệnh viện, đưa thương binh về nhà sau Chiến dịch Na Uy. Sau đó, nó được sơn lại màu xám để ngụy trang và được chuyển giao cho trường huấn luyện tàu ngầm.

Khi Liên Xô áp sát vùng đất ven biển của Đức vào tháng 1.1945, tàu Wilhelm Gustloff được giao nhiệm vụ cứu các thủy thủ đoàn tàu ngầm cùng với càng nhiều quan chức và nhân viên quân sự của Đức Quốc xã càng tốt.

Lật lại hồ sơ vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff: Số tử vong cao nhất lịch sử  - Ảnh 3.

Cuộc tiến công của Hồng quân trên khắp Đông Âu vào năm 1944 và 1945 đã khiến hàng triệu người Đức hoảng sợ

THE PAST

Được chế tạo để chở tối đa 1.900 hành khách và thủy thủ đoàn, con tàu đã tiếp nhận thêm ít nhất 5.000 người nữa và có thể còn nhiều hơn. 489 cabin trên tàu dành cho quan chức cấp cao và gia đình của họ.

Số lượng người cuối cùng lên tàu không rõ chính xác, ước tính trên 9.000 người. Thủy thủ đoàn đã thành lập một khu hộ sinh đặc biệt dành cho phụ nữ mang thai.

Khi có thông tin lan truyền rằng tàu Wilhelm Gustloff sẽ chở hành khách, các bến tàu đầy những người tị nạn đang điên cuồng trốn chạy. Các quan chức bến cảng cấp thẻ lên tàu ưu tiên cho người Đức và gia đình có con nhỏ, đồng thời bố trí lính canh có vũ trang ở các lối đi để giữ trật tự. Tuy nhiên, mọi người đã xoay xở để lẻn lên tàu bằng cách hối lộ.

Tính cấp bách khiến cho không còn thời gian để tập hợp đủ xuồng và bè cứu sinh nếu điều tồi tệ nhất xảy đến. Wilhelm Gustloff ra khơi chỉ có 12 trong số 22 xuồng cứu sinh cần có. Thực tế là, do thời tiết quá lạnh, áo phao sẽ vô dụng nếu người mặc ở dưới nước hơn vài phút.

Chuyến đi định mệnh 

Theo Giáo sư sử học - tiến sĩ Richard Selcer (Mỹ), tàu Wilhelm Gustloff rời bến cảng vào khoảng giữa trưa ngày 30.1, hướng đến căn cứ Hải quân Kriegsmarine tại Kiel, một quãng đường tương đối ngắn băng qua vùng biển đầy thủy lôi.

Thuyền trưởng Petersen ra lệnh mở hết tốc lực mà động cơ có thể tạo ra (khoảng 12 hải lý/giờ) và luôn bật đèn điều hướng để tránh va chạm với các tàu khác.

Hai tàu hộ tống nhanh chóng bị tụt lại phía sau, không thể theo kịp. Bên dưới boong, các hành khách bị say sóng, ngột ngạt vì thông gió kém.

Lật lại hồ sơ vụ đắm tàu Wilhelm Gustloff: Số tử vong cao nhất lịch sử  - Ảnh 4.

Alexander Marinesko, chỉ huy tàu ngầm S-13 của Liên Xô

THE PAST

Sau 21 giờ thì vận may của Wilhelm Gustloff đã hết. Tàu ngầm S-13 của Liên Xô do Alexander Marinesko chỉ huy phát hiện ra mục tiêu.

Marinesko là một chỉ huy tàu ngầm rất có năng lực. Sinh ra ở cảng Odessa thuộc biển Đen vào năm 1913, ông rời trường học sớm để nhận công việc phục vụ trên một chiếc tàu chở hàng. Là một thủy thủ có tài năng bẩm sinh, ông được tuyển dụng vào Hải quân Liên Xô và thăng cấp nhanh chóng.

Năm 1936, ông chuyển từ hạm đội nổi sang tàu ngầm và ngồi ghế chỉ huy vào năm 1937. Khi chiến tranh nổ ra, Marinesko có rất ít cơ hội để thể hiện khả năng của mình. Năm 1944, ông được chuyển sang S-13, một tàu ngầm lớn hơn nhiều với khả năng tác chiến được cải thiện.

Trong phần lớn thời gian của cuộc chiến, Hạm đội phương Bắc của Hải quân Liên Xô đã bị dồn vào các cảng Baltic. Mặc dù sở hữu 218 tàu ngầm, nhưng những con tàu này kém xa tàu ngầm của Đức và Đồng minh, thủy thủ đoàn được huấn luyện kém, cộng thêm ngư lôi thường bị lỗi. Tuy nhiên, khi sức mạnh Hải quân Đức sụp đổ ở Baltic, cuối cùng tàu ngầm Liên Xô cũng có thể ra khơi và tấn công vào các đoàn tàu chở hàng tiếp tế hay đưa người tị nạn ra khỏi khu vực chiến sự đang bị thu hẹp của Đức. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.