Theo Thuyết văn, "Tham là ham muốn mọi thứ" (Tham, dục vật dã); còn Từ điển tiếng Việt thì định nghĩa: tham là "ham muốn một cách thái quá" (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng, 1988).
Tham (貪) có cấu tạo hình thanh (Lục Thư), kết hợp ký tự bối (貝) - biểu ý và kim (今) - biểu âm; phiên thiết là tha hàm thiết, đọc là tham. Nghĩa gốc của tham nói về sự tham tiền, sự ham muốn và hành vi của con người trong việc theo đuổi lợi ích vật chất, chẳng hạn như "tham lam của cải đến độ bỏ mạng sống" (Tả Truyện. Tương Công nhị thập tam niên).
Về sau, tham mở rộng nghĩa thành tham nhũng (ham muốn tiền bạc và hạch sách đòi hỏi); tham ô (ham muốn dơ bẩn, lợi dụng chức quyền để lấy tiền của). Tham xuất hiện trong tham quan ô lại, một thành ngữ xuất hiện trong quyển Dụ thế minh ngôn (tập 39) thời Minh - Thanh, dùng để chỉ quan chức tham ô, tham nhũng thời phong kiến; còn tham tài háo sắc là "ham của, mê sắc dục, kẻ làm quan có hai tật ấy thì là hại dân" (Đại Nam Quấc âm tự vị).
Trong các văn bản cổ ta có thể bắt gặp những từ ghép liên quan tới tham như: tham tâm (lòng tham); tham mặc (tham lam, nhận hối lộ); tham bỉ (tham lam, đáng khinh); tham xướng (tham lam và ghen tị); tham lăng (tham lam và chiếm đoạt). Ngoài ra còn những từ tham liên quan tới cái ác, chẳng hạn như tham ngược (tham lam và tàn bạo); tham ngật (tham lam và tàn nhẫn); tham tàn (tham lam và độc ác); tham hãn (tham lam và hung hãn); tham thô (tham lam và thô bạo); tham sàm (tham lam và vu khống); song tham hoa thì có thể hiểu là "yêu cái đẹp"; còn tham mê là "ham yêu, mê quấn quít".
Từ tham còn mở rộng nghĩa thành "yêu cầu" (Hậu Hán thư. Quách Cung truyện luận) hay đồng nghĩa với "tìm kiếm" (Luận Hành của Vương Sung), ví dụ như tham họa (chuốc lấy tai họa); tham hắc (tìm trong bóng tối); tham thị (ham tìm kiếm điều tốt đẹp); tham cổ (thương nhân tham lam vì lợi ích nhỏ); tham khiếp (tham sống sợ chết)…
Bây giờ bàn về chữ lam. Theo Khang Hy tự điển, lam (婪) có cấu tạo hình thanh (Lục Thư), bao gồm ký tự nữ (女) - biểu ý và lâm (林) - biểu âm, phiên thiết là "lô hàm thiết", đọc là lam (嵐), nghĩa gốc chỉ tính háu ăn (lam hàm). Vào thời cổ đại, lam được gọi là "hành tửu nhất tuần" (một lượt rót rượu). Lần rót rượt cuối gọi là lam vĩ, do đó vào thời nhà Đường, lượt rót rượu cuối tiệc được gọi là lam vĩ tửu.
Cũng giống như tham, lam có nghĩa cơ bản là "ham tiền" như giải thích trong Thuyết văn (Lam, tham dã) . Ngoài ra, lam còn có nghĩa là lòng tham không đáy (Tả truyện. Chiêu Công nhị thập bát niên). Trong tiếng Việt thế kỷ 17, lam lang có nghĩa là tham của hối lộ, ăn của dân (Đại Nam Quấc âm tự vị).
Xét về từ nguyên, tham lam (貪婪) có nguồn gốc từ bài thơ Ly Tao của Khuất Nguyên thời Chiến Quốc (sáng tác vào thế kỷ 3 trước Công Nguyên), nằm trong tuyển tập thi ca Sở Từ. Vào thời Xuân Thu, sử gia Tả Khâu Minh, người nước Lỗ, nhận định rằng Tham lam vô yếm, phẫn loại vô kỳ (Tham lam không bao giờ thỏa mãn, giận dữ không bao giờ chấm dứt) - trích Tả truyện. Chiêu Công nhị thập bát niên.
Bình luận (0)