Lắt léo chữ nghĩa: ‘Bát gạo’ là gì?

26/06/2022 07:30 GMT+7

Bát gạo dĩ nhiên là lượng gạo đựng trong một cái bát. Nhưng đây là nghĩa đen mà có lẽ ai cũng hiểu.

Còn nghĩa bóng là gì? Đó là món mà ta phải tiêu tốn để có được vật hoặc đạt được việc mà mình cần một cách tương xứng. Với nghĩa bóng này, danh ngữ bát gạo không đứng một mình mà đi chung với một danh ngữ khác là đồng tiền thành đồng tiền bát gạo, và Đáng đồng tiền bát gạo là một câu quen thuộc. Câu này gồm có 5 từ mà đều thuộc gốc Hán.

Đáng là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [當], có nghĩa là “đúng; xứng như vậy”, như thường thấy trong xứng đáng. Chữ này còn có một âm nữa là đương (vì thuộc vận bộ đường [唐]), cũng đọc đang và có nghĩa là “nhận lãnh, gánh vác” (như trong đảm đương, thường đọc đảm đang); “chống lại” (như trong đương đầu); “đứng làm chủ” (như trong đương gia [là coi sóc mọi việc trong nhà]); “chính giữa, ngang bằng” (như trong tương đương); “gặp lúc, đúng lúc” (như trong đương thời, thường đọc là đang, chỉ thể tiến hành); môn đương/đang hộ đối mà nhiều người cứ nói trẹo thành “môn đăng hộ đối”.

Đồng vốn là tên của một kim loại, trong bảng tuần hoàn nguyên tố có ký hiệu là Cu, tiếng Anh là copper, tiếng Pháp là cuivre, chữ Hán là [銅]. Ngày xưa, tiền đúc bằng đồng gọi là đồng tiền [銅錢] rồi dần dần theo từ nguyên dân gian, trong đồng tiền, đồng lại bị hiểu là tên của một đơn vị tiền tệ và đến thời Pháp thuộc thì nó càng ngày càng phổ biến để gọi đơn vị mà tiếng Pháp là piastre, không phân biệt chất liệu làm nên là gì (mà chủ yếu là tiền giấy). Hiện nay, nó là đơn vị tiền tệ cơ bản của nước Việt Nam, ký hiệu là hoặc đ.

Tiền là một từ Hán Việt chính danh, mà chữ Hán là [錢], và có nghĩa là… “tiền”. Từ này thường đi chung với tệ [幣], thành danh ngữ tiền tệ [錢幣]. Tệ [幣] cũng là “tiền”.

Bát là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [鉢], có nghĩa là đồ dùng để đựng thức ăn của các nhà sư khi các vị đi khất thực. Hình thức đầy đủ của từ này là bát-đa-la [鉢多羅], phiên âm từ tiếng Sanskrit pātra, có nghĩa như đã nói ở trên. Đi vào tiếng Việt thì, đặc biệt là ở miền Bắc, bát lại dùng để đựng cơm và/hoặc thức ăn của người dân bình thường, còn Tàu thì gọi cái bát (của dân thường) là oản [盌, 椀], đọc theo âm Hán Việt. Nhưng trong tiếng Việt thì oản không còn có nghĩa là “bát” nữa mà lại là thứ được Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức giảng là “lễ - phẩm làm bằng xôi, đóng vào khuôn (thường là cái bát - AC) thành hình tròn”, với những ví dụ như Giữ bụt thì ăn oản, Đếm bụt mà đóng oản.

Gạo là một từ của tiếng Việt phổ thông, mà hình thức cổ là cấu, còn tồn tại trong phương ngữ Bình Trị Thiên. Cấu (> gạo) là một từ gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [穀] mà âm Hán Việt hiện hành là cốc (như trong ngũ cốc). Cốc là một hình thanh tự mà thanh phù là xác [殼], cũng viết [殻], mà cổ âm là:

- k’ǔk (Karlgren, Grammata Serica Recensa);

- kheok (Lưu Quân Kiệt, Đồng nguyên tự điển bổ);

- [kʰ]ˤrok (Baxter & Sagart);

- kʰroːɡ (鄭張尚芳);...

Chính vì cổ âm như thế nên xác [殻] mới hài thanh cho chữ cốc [穀]. Thú vị là [殻] còn hài thanh cho những chữ có âm cấu, như [𤛓], [𦎼], [彀]... Thú vị hơn nữa là chính chữ cốc [穀] còn đọc là cấu với nghĩa “trẻ con”. Cứ như trên thì hiển nhiên gạo (< cấu) là một từ gốc Hán mà nguyên từ là cốc [穀].

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.