Lắt léo chữ nghĩa: Cần xác định tên chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
24/07/2022 07:32 GMT+7

Hiện nay có 2 tên chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu tồn tại trên các văn bản tiếng Việt, ngoài ra còn thấy trên sách báo Hán ngữ, Anh ngữ và Nhật ngữ. Việc xác định đâu là tên chính thức của danh nhân này là điều cần thiết.

Sau một hội thảo về Nguyễn Đình Chiểu, PGS-TS Đoàn Lê Giang đưa lên trang Facebook cá nhân hai quan điểm về tên chữ Hán của cụ Đồ Chiểu: Chiểu (炤) bộ Hỏa và Chiểu (沼) bộ Thủy.

Quan điểm thứ nhất cho rằng ông Nguyễn Đình Huy (cha của Nguyễn Đình Chiểu) có tên chữ Hán là Huy (煇) thuộc bộ Hỏa nên con tên Chiểu (炤) cũng thuộc bộ Hỏa. Tự của Nguyễn Đình Chiểu là Mạnh Trạch (孟擇) là lấy từ "Tích Mạnh mẫu; Trạch lân xứ" (Xưa mẹ Mạnh Tử chọn hàng xóm cho con).

Quan điểm thứ hai lại nhận định khác: tên Chiểu (沼) thuộc bộ Thủy, tự Mạnh Trạch gồm 2 phần: Mạnh (孟) là con trưởng, Trạch (澤) là đầm, liên quan ý nghĩa với Chiểu (沼) là ao.

Vậy, tên chữ Hán nào mới chính xác?

Chúng ta biết rằng họ và tên chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu trên các văn bản hiện nay, kể cả các bộ gia phả, đều viết là 阮廷炤 hoặc 阮廷沼, khác nhau ở chữ Chiểu (炤 hoặc 沼). Để xác định tên chữ Hán của cụ Đồ Chiểu, trước hết cần tìm hiểu cách đặt tự của người xưa.

Khái niệm tự (字) hay biểu tự (表字) có nguồn gốc từ thời nhà Thương (Trung Quốc), thịnh hành vào thời nhà Chu, sau đó dần dần thành hệ thống. Theo sách Lễ Ký, thiên Đàn Cung, người trẻ tuổi hơn gọi thẳng tên chính thức của một người trưởng thành là điều bất kính, do đó những người có học ngày xưa thường lấy tên tự để người khác gọi thay cho tên chính thức của họ. Cách gọi này thể hiện sự tôn trọng người đối diện, tuy nhiên nếu một người tự xưng tên tự thì cho thấy sự khiêm tốn của họ.

Vào thời cổ đại, khi đến 20 tuổi người nam sẽ đặt tự cho mình, còn người nữ thì đặt tự lúc 15 tuổi. Trong đời nhà Đường nghi thức đặt tự này gọi là lễ Nguyên Phục (元服禮).

Tự của một người thường có 2 chữ, hàm nghĩa liên quan với tên chính thức. Ví dụ: Lê Quý Đôn (黎貴惇) tự Doãn Hậu (允厚): đôn (惇) + hậu (厚); Gia Cát Lượng (诸葛亮) tự Khổng Minh (孔明): Lượng (亮) là sáng, minh (明) cũng là sáng.

Nhìn chung, có một số cách cấu tạo tên tự, ở đây xin bàn về cách đặt tự liên quan đến Nguyễn Đình Chiểu, đó là bá (伯), trọng (仲), thúc (叔), quý (季), những từ biểu thị cho thứ bậc anh em trong gia đình. Bá là con trai trưởng dòng đích, trọng là con thứ hai, kế tiếp là thúc và quý. Riêng con trai đầu (trưởng) của dòng thứ gọi là mạnh (孟). Nguyễn Đình Chiểu là con đầu lòng của bà Trương Thị Thiệt - vợ thứ của ông Nguyễn Đình Huy nên lấy tự là Mạnh Trạch.

Thông thường người ta có thể đặt tự dựa vào điển tích hay danh ngôn, tuy nhiên tự của Nguyễn Đình Chiểu không nằm trong trường hợp này, vì Mạnh (孟) là từ chỉ thứ tự, còn Trạch (澤) là cái đầm, có ý nghĩa liên quan đến tên Chiểu (沼) là ao.

Như vậy, theo chúng tôi, quan điểm thứ nhất chỉ là sự phỏng đoán, tự của Nguyễn Đình Chiểu không phải Mạnh Trạch (孟擇) lấy từ "Tích Mạnh mẫu; Trạch lân xứ". Vì chữ trạch (擇) này thuộc bộ Thủ, có nghĩa là chọn lựa, không liên quan gì tới tên Chiểu (炤) bộ Hỏa, hàm nghĩa là chiếu sáng.

Tóm lại, chúng tôi đồng thuận với quan điểm thứ hai: viết tên 沼 (Chiểu) bộ Thủy và tự 孟澤 (Mạnh Trạch) mới chính xác. Xin nhắc lại, Mạnh (孟) là con đầu (trưởng) của dòng thứ, Trạch (澤) là đầm, có liên quan ý nghĩa với Chiểu (沼) là ao.

Dĩ nhiên, bài viết này chỉ là sự gợi ý, quyết định cuối cùng về tên chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu còn tùy thuộc vào giới có thẩm quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.