Lắt léo chữ nghĩa: Xét lại từ nguyên của một số từ cơ bản chỉ số đếm

20/12/2020 07:02 GMT+7

Gần như tất cả các tác giả hữu quan đều nhất trí khẳng định rằng năm số đếm đầu tiên của tiếng Việt (một, hai, ba, bốn, năm) có nguồn gốc Môn-Khmer. Chúng tôi muốn xét lại vấn đề này.

Tiếng Khmer chỉ có 5 từ cơ bản chỉ số lượng từ 1 đến 5 chứ không có những từ riêng chỉ các số 6, 7, 8, 9 (muốn chỉ số 6 thì phải nói prăm muôi [5+1], số 7 là prăm pi [7+2]...) mà trong 5 từ này cũng đã có sự chắp vá và phức tạp. Ngay từ muôi, chỉ số lượng “một” trong tiếng Khmer, đã là vay mượn ở nguyên từ (etymon) mỗi của tiếng Việt (bản thân mỗi là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [每]). Còn trong tiếng Rơngao, thuộc nhánh Bahnar Bắc của ngành Môn-Khmer, thì “một” cũng là mỗi (dẫn theo GS-TS Hoàng Thị Châu, “Cấu tạo từ của hệ thống số đếm trong các ngôn ngữ”, Ngôn ngữ, số 1, 2010, tr.25). Đây là một cứ liệu hoàn toàn chắc chắn cho việc khẳng định gốc Việt của từ muôi (= một) trong tiếng Khmer. Tiếng Khmer cổ đại còn có eka, có nghĩa là “một”, mượn thẳng từ tiếng Sanskrit eka.
Cũng trong bài đã dẫn, tác giả Hoàng Thị Châu đã gán hai/vài vào gốc Môn-Khmer trong khi vài là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [二], mà âm Hán Việt là nhị, có nghĩa là “hai”. Quan hệ phụ âm đầu NH ↔ V giữa nhị và vài còn có thể thấy được với các trường hợp: – nhu [揉], mài, nghiền ↔ vo trong vo gạo, vò trong vò nát; - nhũ [乳] ↔ vú. Đặc biệt là trường hợp sau đây. Thôn Ngọc Nhị, thuộc xã Cẩm Lĩnh, H.Ba Vì, Hà Nội, “có tên Nôm là kẻ Vài” (xin xem Bùi Thiết, Làng xã ngoại thành Hà Nội, NXB Hà Nội, 1985, tr.35). Thực ra, Vài không phải tên Nôm mà là âm cổ Hán Việt của chữ nhị. Thôn này xưa vốn thuộc đất của tổng Cẩm Đái, huyện Minh Nghĩa, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, mà tên chữ Hán là [玉珥], như đã ghi trong Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Dương Thị The - Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, tr.425). Ở đây, ta có hai chữ nhị khác nhau: nhị [二] là “hai” và nhị [珥] là “hoa tai”. Hai từ này “đồng âm khác nghĩa” nhưng lại đưa đến kết quả từ nguyên học như nhau: nhị ↔ vài. Chúng tôi gọi đây là hai trường hợp đồng dạng từ nguyên học. Khi ta may mắn có được những trường hợp đồng dạng từ nguyên học như thế thì cái kết quả tìm được là một điều chắc chắn: Ở đây, vài là âm cổ Hán Việt của chữ nhị [二] nên chẳng có dây mơ rễ má gì với gốc Môn-Khmer. Trong khi đó thì pi (= hai) của tiếng Khmer lại bắt nguồn ở tiếng Sanskrit dvi, hình thức luân phiên của dva và dvā, có nghĩa là “hai” (tiếng Mã Lai dua [= hai] cũng bắt nguồn từ dva của tiếng Sanskrit). Mà cái từ pi của tiếng Khmer rất phức tạp. Trong tiếng Khmer hiện đại, pi có nghĩa là “hai” nhưng trong tiếng Khmer cổ đại thì pi lại là “ba”. Dictionnaire vieux khmer - français - anglais (Từ điển Khmer cổ - Pháp - Anh) của Saveros Pou (L’Harmattan, 2015) ghi rành mạch, rõ ràng: “pi Trois. Three”. Tất nhiên đây không phải là do nhầm lẫn mà ra.
Cứ như trên thì muôi của tiếng Khmer là một từ mượn ở tiếng Việt mỗi; bản thân mỗi là một từ Hán Việt còn vài cũng là một từ Việt gốc Hán, rồi cuối cùng thì pi của tiếng Khmer lại là một từ gốc Sanskrit. Chúng tôi muốn đặt lại vấn đề để lưu ý rằng sự so sánh ngôn ngữ không phải lúc nào cũng trơn tru, trôi chảy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.