Thực ra, khuya khoắt là điệp thức của hai chữ khuy khuyết [虧缺] trong tiếng Hán. Đây là một cấu trúc đẳng lập, có nghĩa là “thiếu sót, không đầy đủ”(khuyết thiểu; bất túc [缺少;不足]) mà khuya là điệp thức của khuy [虧] còn khoắt là điệp thức của khuyết [缺]. Vậy khoắt là một yếu tố có nghĩa và khoắt ↔ khuyết (ĂT ↔ IÊT) thì cũng giống như: - bặt trong bặt tin ↔ biệt trong biệt ly; - ngặt trong ngặt nghèo ↔ nghiệt [孼] là “xấu, hại, ác”; - quặt trong què quặt ↔ quyết [蹶], thường đọc thành quệ, có nghĩa là “què”.
Nhưng khoắt không được dùng độc lập trong tiếng Việt hiện đại như yếu tố đẳng lập với nó là khuya. Khuya là điệp thức của khuy [虧], có nghĩa là “thiếu, kém, giảm”. Đêm khuya có nghĩa là “đêm đã giảm đi nhiều phần để chuyển về sáng”, rồi đêm khuya thường được nói tắt thành khuya mà kéo theo khoắt thành khuya khoắt để diễn đạt cái ý mà Từ điển tiếng Việt 2020 giảng là “khuya [nói khái quát]”. Về mặt ngữ âm thì khuya xưa hơn khuy, cũng như: - bia trong bia đá, bia miệng xưa hơn bi [碑] trong bi ký, thạch bi; - chia trong chia chác xưa hơn chi [支] trong chi lưu, chi phái; - lìa trong chia lìa xưa hơn ly [離] trong ly khai; - tia trong tia nắng xưa hơn ti [絲] trong tàm ti (tơ tằm); - tía trong đỏ tía xưa hơn tỉ > tử [紫] trong tia tử ngoại; - thìa xưa hơn thì [匙] trong tỏa thì (= chìa khóa). Có thể có người sẽ bẻ rằng trong tiếng Hán thì cả khuy lẫn khuy khuyết đều không làm gì có cái nghĩa “khuya”. Vâng, tiếng Hán không có nhưng đây là sự vận dụng của tiếng Việt chứ nếu tất cả mọi cái nghĩa cần thiết đều có sẵn trong nguyên từ (etymon) thì người làm từ nguyên sẽ... sướng như lên tiên.
Ấy là nói về từ khuya còn nguyên từ của khoắt là khuyết [缺] thì lại được dùng độc lập trong tiếng Việt miền Bắc với tính cách là một danh từ mà Từ điển tiếng Việt 2020 giảng là “lỗ hoặc vòng để cài khuy trên quần áo”. Cái khuyết này của miền Bắc thì trong Nam kêu là khuy, mà Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là “dải kết có vòng vừa gài nút áo”. Động tác mà ngoài Bắc gọi là thùa khuyết thì trong Nam kêu là làm khuy. Ở đây, cả khuyết của miền Bắc lẫn khuy của miền Nam đều chỉ những vật “lõm” (khuyết). Nhưng cái khuy của miền Bắc thì lại là một vật “lồi” nên mới được Từ điển tiếng Việt 2020 giảng là “vật nhỏ làm bằng nhựa, kim loại, thủy tinh, xương... thường có hình tròn, dùng đính vào quần áo để cài”, tức là cái nút ở trong Nam. Vậy phải chăng người miền Bắc đã làm một việc vô lý vì đã lấy chữ khuy (vốn chỉ khái niệm “lõm”) để chỉ vật “lồi” là cái nút áo?
Xin thưa là không phải. Ở đây, ta đang có một trường hợp hai từ đồng âm oái oăm là: khuy, mà chữ Hán là [虧], chỉ khái niệm “khuyết lõm” và khuy, danh từ độc lập gốc Hán mà nguyên từ không có liên quan gì đến hiện tượng “khuyết lõm” cả. Vâng, trong khuy áo, khuy quần thì khuy bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [䙡], mà âm Hán Việt là khủy/khúy, có nghĩa là “cúc áo, cúc quần, nút quần, nút áo”. Về tương quan thanh điệu giữa khủy/khúy và khuy, thì xin nhớ rằng ba thanh “ngang [không] - sắc - hỏi” có thể chuyển biến với nhau, điển hình là trường hợp của ba chữ: kê trong thống kê, kế trong kế toán và kể trong kể chuyện đều bắt nguồn từ chữ [計], mà âm Hán Việt hiện hành là kế. Vậy cũng không có gì lạ nếu khủy/khúy ↔ khuy.
Bình luận (0)