Chó là điệp thức của một từ ghi bằng chữ [㹥], mà âm Hán Việt là chú, có nghĩa là “chó vàng đầu đen”. Tương quan U « O có thể thấy qua: du < dù [𨵦], liếc, dòm, nhìn trộm « dò trong dò la, dò xét; dụ [喻], nói cho hiểu « dò trong dặn dò; chữ nho [儒] theo đúng phiên thiết phải đọc là nhu... Chữ khuyển [犬] còn có một điệp thức là cún, có nghĩa là “chó con”. Còn chữ cẩu [狗] bộ khuyển [犭] thì được Vương Lực chứng minh là đồng nguyên với chữ cẩu [豿] bộ trĩ/trãi [豸], có nghĩa là “gấu con, hổ con” (Đồng nguyên tự điển, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.182-183). Hai chữ cẩu đồng nguyên này có một điệp thức là gấu trong bàn tay gấu, mật gấu.
Cày trong cày cáo bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [猉] mà âm Hán Việt là kỳ, có nghĩa là “chó con”. Còn cáo thì bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [狡], mà âm Hán Việt hiện hành là giảo, như trong giảo hoạt, giảo quyệt nhưng âm gốc là cảo. Trong Quảng vận, chữ này thuộc vận mục xảo [巧], tiểu vận cảo (cổ xảo thiết [古巧切]), có một nghĩa là “chó con”, mà cáo là điệp thức chỉ con vật được cho là xảo quyệt, nham hiểm. Chồn thì bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [𤟢] mà âm Hán Việt là độn, có nghĩa là “chó”.
Bình luận (0)