Lắt léo chữ nghĩa: Cành vàng lá ngọc

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
30/11/2024 07:17 GMT+7

Trong tiếng Việt, thành ngữ cành vàng lá ngọc dùng để chỉ người quyền quý, giàu sang, song trên thực tế, cụm từ này còn nhiều nghĩa khác.

Người Việt xưa dịch cành vàng lá ngọc từ thành ngữ 金枝玉叶 (jīn zhī yù yè) trong Hán ngữ, một cụm từ viết theo lối phồn thể là 金 枝 玉 葉, âm Hán Việt là "kim chi ngọc diệp".

Vào thời cổ đại, kim chi (金枝: cành vàng) là tước hiệu cao quý của hoàng tử và cháu trai hoàng đế, được ghi nhận trong phần Vũ Cảnh của bộ Dịch Chu thư, một tuyển tập các tài liệu lịch sử Trung Quốc thời Tây Chu (1046 - 771 TCN); về sau kim chi còn có nghĩa là đèn trang trí bằng vàng (Hán ngữ đại từ điển của La Trúc Phong, 2011).

Ngọc diệp (玉葉: lá ngọc), còn được gọi là lục ngọc thụ, ngân hạnh hay mã xỉ hiện thụ, một loài cây bụi có tên khoa học là Portulacaria afra Jacq., thuộc họ Didiereaceae. Loài cây này còn được gọi là kim chi ngọc diệp, song chỉ trùng tên thôi, còn nghĩa thì không giống thành ngữ kim chi ngọc diệp mà ta thường hiểu ngày nay.

Theo Bách khoa thư Baidu, ban đầu, thành ngữ kim chi ngọc diệp dùng để mô tả vẻ đẹp của cây và hoa lá, biểu thị cho điềm lành: "hồ điệp, hồ điệp phi thướng kim chi ngọc diệp" (bươm bướm, bươm bướm bay trên cành vàng lá ngọc) - Cung trung điều tiếu của Vương Kiến đời Đường; về sau đề cập con cháu hoàng gia (Cổ kim chú. Dư phục); còn bây giờ nói về người có xuất thân cao quý hoặc một người mỏng manh, yếu đuối (Chương 52 trong Thủy Hử truyện của Thi Nại Am đời nhà Minh); tương ứng với quỳnh chi ngọc diệp (琼枝玉叶) - một thành ngữ có nghĩa là hậu duệ của hoàng tộc thời phong kiến, xuất phát từ bài Vị Dương Châu Lý Trường sử hạ lập hoàng thái tử của Tiêu Dĩnh Sĩ thời nhà Đường.

Trong Hán ngữ, kim chi ngọc diệp còn được viết là ngọc diệp kim chi, cả hai cùng nghĩa. Trong tiếng Việt cũng có hai cách viết: cành vàng lá ngọc lá ngọc cành vàng. Từ thế kỷ 20, cụm từ kim chi ngọc diệp trong sách Sử ký, quyển 5, tờ 43 đã được Huỳnh Khắc Dụng dịch thành "cành vàng lá ngọc" trong quyển Sử-liệu Việt-Nam - 1959 (tr.74); còn ngọc diệp kim chi chính là nhan đề tiểu thuyết Lá ngọc cành vàng của Nguyễn Công Hoan, đăng lần đầu trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1935.

Xét về vật trang trí, ở Trung Quốc có loại kim chi (cành vàng) bán nhiều trên mạng, bên cạnh đó là ngọc diệp (lá ngọc) làm bằng ngọc trắng, sản xuất tại Hòa Điền, Tân Cương. Trên các trang mạng VN cũng có bán nhiều loại "cành vàng lá ngọc", có giá rẻ, dùng trong việc thờ cúng, cắm lọ hoa gia tiên.

Những cổ vật "cành vàng lá ngọc" của nhà Nguyễn mới quý hiếm, đó là những vật trang trí từ thời Đồng Khánh, chẳng hạn như cây lựu (cao khoảng 55 cm); chậu hoa địa lan (cao khoảng 35 cm); cây hoa mai đỏ (không còn nguyên vẹn), đặc biệt nhất là cây mai trắng (cao khoảng 55 cm)...

Những cổ vật này hiện đang được trưng bày trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Chúng được đặt trong chậu pháp lam (đồ đồng phủ men màu), hình chữ nhật, trang trí hình hoa lá, con dơi, chữ thọ bằng men ngũ sắc (theo Quốc Lê và Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế).

Tóm lại, ngày nay, kim chi ngọc diệp hay cành vàng lá ngọc biểu thị cho người cao quý hoặc rất tinh tế; đồng nghĩa với đại gia khuê tú (大家闺秀: cô gái nhà quyền quý, đức hạnh), một thành ngữ có nguồn gốc từ quyển Thế thuyết tân ngữ của Lưu Nghĩa Khánh thời Nam Tống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.