Lắt léo chữ nghĩa: 'Môn đăng hộ đối' là thành ngữ không chuẩn xác

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
29/06/2024 06:11 GMT+7

Nhiều người nghĩ chữ "đăng" trong "môn đăng hộ đối" có nghĩa là "đèn" rồi giải thích rằng "đèn treo trước cửa nhà đối nhau, biểu thị sự tương xứng địa vị xã hội và kinh tế của gia đình hai bên (nam và nữ)".

Thật ra không phải vậy, "môn đăng hộ đối" là cách viết sai, viết đúng phải là "môn đương hộ đối" (门当户对). Nói cách khác, chữ "đương" bị nói và viết trại thành "đăng". Đương (当) có nghĩa là xứng nhau, không phải là đăng (灯: đèn).

Trong Hán ngữ, đối đương (对当) có nghĩa là tương đương hoặc ngang hàng, còn môn hộ (门户) là cách viết hội ý, thể hiện qua câu: "Song phiến vy môn, đơn phiến vy hộ" (Cánh đôi là cửa, cánh đơn là nhà). Môn hộ có 4 nghĩa chính: lối ra vào của nhà; phe phái hay giáo phái; gia đình hoặc tình trạng gia đình. Ở đây, cần hiểu thành ngữ này có hai vế: "môn đương" và "hộ đối".

Môn đương (门当) là một cặp trụ đá hoặc trống đá, thường được đặt ở hai bên cổng của các công trình kiến trúc cổ xưa, hoặc đặt đối diện nhau ở lối vào của tòa nhà truyền thống ở Trung Quốc. Trong kiến trúc chúng là một phần của "đá gối cửa" (môn chấm thạch), còn gọi là trụ cửa, chân cửa hay bão cổ thạch. Người ta thường dùng môn đương để trang trí cổng và sân, đánh dấu cấp bậc, địa vị của chủ nhân. Đối với quan chức, nhà của quan võ có môn đương hình tròn, còn nhà quan văn có hình vuông.

Hộ đối (户对) là những viên gạch hoặc gỗ chạm khắc trên lanh tô dùng để cố định khung cửa, vì đều là số chẵn nên gọi là "hộ đối". Hộ đối thường có hình trụ hoặc hình vuông, mỗi chiếc dài khoảng 30 cm, đặt song song với mặt đất. Do nhô ra khỏi mái hiên và giống như những chiếc trâm cài trên đầu phụ nữ thời xưa nên hộ đối thường được gọi là môn trâm (kẹp cửa).

Vào thời xưa, trước cửa nhà quan chức dưới bậc tam phẩm có 2 hộ đối, bậc tam phẩm thì có 4 hộ đối, nhị phẩm có 6 hộ đối, nhất phẩm có 8 hộ đối, chỉ có hoàng cung mới có 9 bộ, gọi là cửu đỉnh (九鼎: 9 cái đỉnh đồng).

Môn đương hộ đối có nghĩa là hoàn cảnh gia đình, tài chính của cả nam và nữ đều tương đương nhau nên rất phù hợp để kết hôn. Đồng nghĩa với Môn đương hộ đốiVọng hành đối vũ (望衡对宇), một thành ngữ bắt nguồn từ quyển Miện thủy trong Thủy kinh chú, ý nói "những người sống ở nơi rất gần nhau thì có thể nhìn thấy nhau"; trái nghĩa là Tề đại phi ngẫu (齐大非偶), một thành ngữ xuất phát từ Hoàn Công lục niên trong Tả truyện của Tả Khâu Minh thời tiền Tần, ý nói là giàu có, hoặc quyền thế quá thì không hợp; hôn nhân không môn đương hộ đối thì khó hạnh phúc.

Môn đương hộ đối có nguồn gốc từ kịch Tây sương ký của Vương Thực Phủ trong triều đại nhà Nguyên, có lẽ sáng tác vào thời Nguyên Trinh và Đại Đức (1297-1307), mô tả cuộc tình vượt qua môn đương hộ đối và lễ giáo phong kiến của nàng Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy.

Trong phần hai của Tây sương ký có câu: "Tuy nhiên bất thị môn đương hộ đối" (虽然不是门当户对), song điều này chỉ cho thấy nguồn gốc của thành ngữ này nói về hôn nhân; còn trên thực tế, cụm từ môn đương hộ đối đã xuất hiện trước đó trong quyển Quý nhĩ tập của Trương Đoan Nghĩa (1179~1248) đời Tống: "yêu đắc môn đương hộ đối" (要得门当户对).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.