Chuyển ngữ (轉語) là từ có nguồn gốc Hán ngữ, lần đầu xuất hiện trong quyển Phương ngôn (方言) của Dương Hùng (53 TCN - 18 TCN) - một nhà tư tưởng, văn nhân thời Tây Hán.
Ngày xưa, chuyển ngữ có nghĩa là: a. "Đem lời nói từ bên này truyền đạt tới bên kia"; b. "Giải thích những từ có cách phát âm thay đổi theo thời gian, địa điểm hoặc lý do khác": c. "Là thuật ngữ Phật giáo Thiền tông, đề cập những lời nói sắc bén, dẫn đến sự giác ngộ bất ngờ", chẳng hạn như trong Vân môn tam chuyển ngữ, Triệu Châu tam chuyển ngữ đẳng… ; d. "là từ ngữ mở rộng để giải thích" hoặc "đề cập việc thay đổi chủ đề", ví dụ trong Nhĩ Nhã (thiên Thích cổ) có câu: "Ngang, ngã dã" (tôi là tôi vậy). Quách Phác giải thích: "Ngang do ương dã. Ngữ chi chuyển nhĩ" (Tôi giống như tôi vậy. Lời nói biến thành tai nghe). Phương Ngôn (tập 1) viết: "phàm nhân chi đại vị chi trang, hoặc vị chi tráng", nghĩa là "người thường gọi đại là trang (to lớn) hoặc là tráng (lớn lao)".
Ngày nay, chuyển ngữ có nghĩa là:
- "Ngôn ngữ dùng để truyền thụ kiến thức". Dùng tiếng mẹ đẻ làm chuyển ngữ ở tất cả các bậc học (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB KHXH - 1988, tr.208).
- "Ngôn ngữ chung được chọn, dùng để chuyển tải và thu nhận thông tin giữa các cư dân có ngôn ngữ khác nhau (trong giao tiếp, trong truyền thụ tri thức, trong dạy và học…) - Từ điển bách khoa Việt Nam - 1995, tr.539. Ví dụ: khi một người Việt và một người Nhật giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh.
- Hệ thống ký hiệu dùng để điều chỉnh sự tương hợp giữa văn bản gốc, viết bằng các loại ngôn ngữ tự nhiên hoặc nhân tạo với ngôn ngữ của máy (vtudien.com).
- Chuyển ngữ là công cụ nhập liệu của Google, là "phương thức ánh xạ từ một hệ thống văn bản này thành một hệ thống văn bản khác dựa trên sự tương đồng về mặt ngữ âm". Ví dụ: nhập các chữ cái Latin (a, b, c…) để chuyển đổi thành các ký tự có cách phát âm tương đồng trong ngôn ngữ đích, chẳng hạn như nhập chữ "namaste" để chuyển thành "नमस्ते" trong tiếng Hindi, để có được âm giống như "namaste" (Google).
Dịch là gì? Xin thưa, dịch (giản thể: 译; phồn thể: 譯) có nghĩa gốc là "thay đổi ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác". Ngày xưa, dịch có nghĩa là "truyền tải" (Phương ngôn thập tam); Thuyết văn giải tự cho rằng dịch là "phiên dịch, thông dịch các ngôn ngữ của tứ Di" (Di: phiếm chỉ rợ, mọi - tức các dân tộc ở ngoài Trung Nguyên, phía đông Trung Quốc); dịch là "giải thích tỉ mỉ" như trong Tiềm phu luận: "Thánh nhân là miệng trời, hiền giả là người phiên dịch giỏi" (Phù thánh nhân vi thiên khẩu, hiền giả vi thánh dịch).
Dịch tương ứng với translate - một từ có nguồn gốc từ chữ translater (tiếng Pháp cổ) và translatus (tiếng Latin). Từ translate xuất hiện trong tiếng Anh khoảng giữa thế kỷ 14, ngày nay có nghĩa là "thay đổi cách viết hoặc lời nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác" (American Dictionary, Cambridge Dictionary). Dịch là "làm cho một nội dung diễn đạt bằng ngôn ngữ hoặc, nói chung, hệ thống tín hiệu này được diễn đạt bằng ngôn ngữ hoặc hệ thống tín hiệu khác. Dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Dịch mật mã (Từ điển tiếng Việt, sđd, tr.276).
Tóm lại, khi dịch văn bản, cần cân nhắc, không nên dùng từ chuyển ngữ thay cho dịch, vì chuyển ngữ là thuật ngữ còn gây nhiều tranh cãi giữa các nhà ngôn ngữ học, chưa có định nghĩa nào được chấp nhận rộng rãi.
Bình luận (0)