Lắt léo chữ nghĩa: Ý nghĩa chữ tu trong đạo và đời

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
22/06/2024 06:17 GMT+7

Nhiều người nghĩ rằng tu có nghĩa là tu hành, song trong tiếng Việt tu là một khái niệm đa nghĩa, đặc biệt là trong những từ đồng âm dị nghĩa.

Tu là từ Hán Việt, có nguồn gốc Hán ngữ. Tu (修) thuộc bộ Nhân (人), cấu tạo hình thanh và hội ý (Lục thư), gồm 2 phần: sam (彡) - biểu ý và du (攸) - biểu âm. Ký tự này phổ biến trong các tài liệu từ thời nhà Tần và nhà Hán.

Nghĩa gốc của tu là "trang trí và làm đẹp" (Thuyết văn), nghĩa phổ biến là tu hành, song tu hành không chỉ là rời bỏ đời thường, tu theo một tôn giáo nào đó; hay là nghiên cứu Phật giáo, Đạo giáo (Tấn thư. Nghệ thuật truyện. Cưu-ma-la-thập). Tu hành còn là việc ứng dụng các phương pháp khác nhau nhằm hướng tới sự siêu việt và thoát khỏi vòng sinh tử (Tô phỉ phái kinh chú).

Phổ quát nhất, tu hành là một hoạt động lâu dài, bao gồm hoạt động tư duy, tâm lý, hành vi và xã hội nhằm đạt được trình độ tu luyện cá nhân cao hơn, trí tuệ và tầm nhìn rộng mở hơn so với giai đoạn trước đó.

Tu hành bao gồm các yếu tố: "tu dưỡng đức hạnh" (Trang Tử. Đại Tông Sư); "ứng xử đạo đức" (Thuyết uyển. Thiện thuyết của Lưu Hướng thời nhà Hán); "làm việc thiện và tích đức" (Nại hà thiên của Lý Ngư thời nhà Thanh): Ai ơi, ăn ở cho lành; Tu nhơn tích đức để dành về sau (ca dao).

Trong cuộc sống đời thường, tu (修) có nghĩa là "xây dựng, kiến tạo" (Nhạc Dương lâu ký của Phạm Trọng Yêm đời Tống), chẳng hạn như làm hồ chứa nước (tu thủy khố), xây cất đường sá (tu trúc đạo lộ). Tu còn là "học tập, rèn luyện" (Quốc ngữ. Tấn ngữ): "Quân tử học Đạo và yêu người khác" (Quân tử học đạo tắc ái nhân - Sử ký. Trọng Ni đệ tử liệt truyện).

Tu có nghĩa là "việc tốt lành" (Tư huyền phú); "viết, biên soạn" (Bắc sử. Tự truyện); "cai quản" (Tam Quốc chí. Gia Cát Lượng truyện); "thực hành" (Lễ Ký. Trung Dung); "tuân thủ" (Hàn Phi Tử. Ngũ đố); "cải chính" (Thế thuyết tân ngữ. Tự tân); "dài, lâu dài, xa" (Sử ký. Tần Thủy Hoàng kỷ); "cao, lớn" (Lan Đình tập tự của Vương Hi Chi)...

Tu còn là "phần thưởng" (Lễ ký. Hương ẩm tửu nghĩa); là "sửa chữa" (Quá Tần luận của Giả Nghị đời Hán), ví dụ: Em về tu bổ chùa chiền, Em tô tượng lại, bạn hiền đến thăm (ca dao). Trong Tượng hình tự điển của Xuân Thu Hán ngữ, tu còn có nghĩa là theo đuổi và hoàn thiện.

Xét về từ Hán Việt, có nhiều chữ "tu" đồng âm khác nghĩa (do cách viết chữ Hán khác nhau). Ở đây chỉ bàn về danh từ, ví dụ như tu (媭: chị gái, cách gọi của người nước Sở thời cổ đại); tu (須: bộ râu, nhu cầu); tu (鬚: râu cằm); tu (饈: bữa tiệc, món ăn ngon); tu (脩: thịt khô); tu (鑐: cái chốt hoặc cái lỗ của ổ khóa) hay tu (需: sự chờ đợi, tên một quẻ trong Kinh Dịch)...

Trong tiếng Việt, tu thường đi chung với tu tâm dưỡng tánh, tu nhân tích đức. Tu có nghĩa là sửa đổi những thói hư tật xấu để trở thành tốt; là loại bỏ tam độc (tham, sân, si), tránh xa ngũ giới (sát sinh, trộm cắp, tà dâm, sự dối trá và rượu bia)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.