Chữ Hán không có trong từ điển từng lên sóng Đài TVB có từ đời Tần Thủy Hoàng?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
13/08/2021 14:00 GMT+7

Có chữ Hán viết rất phức tạp nhưng hiện nay vẫn được sử dụng dù không có trong từ điển chính thức. Một trong số đó là chữ “biáng” - được cho có nguồn gốc từ đời Tần Thủy Hoàng và từng khiến Đài TVB (Hồng Kông) phải mở bàn tròn thảo luận.

Một trong những chữ Hán độc lạ được đọc là “biáng”, viết gọn từ tên loại mì sợi “biáng biáng” ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Loại mì này còn được gọi là “Du bát xả miến” (phồn thể: 油潑扯麵; giản thể: 油泼扯面). Các quán mì quảng cáo rằng “biáng” là một trong tám món ăn kỳ lạ của Thiểm Tây: "Thiểm Tây Bát đại quái” (陕西八大怪).
Loại mì này có bản rộng, làm bằng tay, là món ăn phổ biến của dân nghèo ở nông thôn, nhưng thời gian gần đây nó trở thành món ăn thời thượng trong các nhà hàng sang trọng nhờ vào cái tên vừa lạ vừa rối của nó. Đây là món ăn hàng đầu vào mùa lạnh ở vùng Thiểm Tây, người ta thường ăn chung với nhiều ớt đỏ rất ngon.
Trở lại bàn về chữ “biáng” có 57 nét trong cách viết phồn thể và 43 nét theo cách viết giản thể. Đây là một trong những chữ viết phức tạp nhất còn sử dụng hiện nay. Chiết tự chữ "biáng" chúng ta thấy gồm có: chữ “ngôn”言 (7 nét) nằm ở trên của phần trung tâm; 2 bên là chữ “yêu” 幺 (2 x 3 nét); phía dưới chữ “ngôn” là chữ “mã” 馬 (10 nét),  bên chữ “mã” là chữ “trường” 長 (2 x 8 nét); bên trái khối trung tâm của những chữ này là chữ “nguyệt” 月 (4 nét); bên phải là chữ “đao” 刂(2 nét); phía dưới là chữ “tâm” 心 (4 nét). Tất cả những chữ này được bao bên ngoài, phía trên là chữ “huyệt” 穴 (5 nét); còn chữ “sước” 辶 (3 nét) thì bao phía bên trái và ở dưới .

Món mì "biáng biáng” ở Thiểm Tây (Trung Quốc) hấp dẫn thực khách

Ảnh: T.L

Nhìn chung, nguồn gốc của chữ “biáng” và loại mì ngon của Thiểm Tây không có gì là rõ ràng. Có thuyết cho rằng chữ “biáng” do Thừa tướng Lí Tư (李斯, 280 - 208 TCN) sáng tạo vào đời Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên, chữ này không được tìm thấy trong Khang Hi tự điển (năm 1716) nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nó được chế ra không phải vào thời Lí Tư, bởi vì những chữ tương tự như thế được tìm thấy sử dụng trong Thiên Địa hội (天 地 會), một hội kín thành lập với mục đích "phản Thanh phục Minh", còn gọi là Hồng Hoa hội vào thời vua Càn Long.
Đến năm 2007, vì có nhiều tranh luận thắc mắc và tò mò nên Đài TVB (Hồng Kông) đã thực hiện show truyền hình Nhất võng đả tận (一網打盡, tên tiếng Anh là The Web), mời một số giáo sư đại học thảo luận về nguồn gốc của chữ “biáng” này. Tuy nhiên, tại bàn tròn không thấy vị nào kiểm chứng câu chuyện của Lí Tư trong việc hình thành chữ này. Cuối cùng, mọi người đi đến kết luận rằng chữ “biáng” độc lạ này do một cửa hàng mì chế ra.

Chữ “biáng” khác có tới 68 nét

Ảnh: T.L

Tuy vậy, vẫn còn những giả thuyết khác xoay quanh nguồn gốc chữ “biáng”. Một số người cho rằng nó xuất phát từ tiếng người ta nhai mì phát ra âm thanh “biang biang biang”. Rồi có một bài viết trên China Daily lại khẳng định từ “biáng” xuất phát từ âm thanh người đầu bếp kéo bột nhão rồi đập nó xuống bàn...
Dù các tranh luận về nguồn gốc chưa đến hồi kết nhưng dù sao đi nữa thì “biáng” cũng là một sáng tạo kỳ thú trong nghệ thuật chữ viết bằng bút lông của Trung Hoa, được thực hiện theo phông chữ Tống thể (宋體, sòngtǐ), tức một kiểu chữ thời nhà Tống (420-478). Hiện nay, ngoài chữ “biáng” 57 nét được phân tích ở đây, còn những chữ “biáng” khác với nhiều nét hơn, như có chữ tới... 68 nét đều hết sức lạ và lý thú, thử thách các nhà nghiên cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.