Dù đến muộn hơn nhưng châu Á đón nhận nhanh chóng dòng tranh cực thực độc đáo này nhanh chóng, trong số các họa sĩ tên tuổi từng "làm mưa làm gió" phải kể đến Lãnh Quân (冷军, Lěng jūn), sinh năm 1963 tại Tứ Xuyên, tốt nghiệp Khoa Nghệ thuật của Phân viện Hán Khẩu, Trường đại học Sư phạm Vũ Hán năm 1984 và hiện là phó chủ nhiệm Học viện Mỹ thuật Vũ Hán và là họa sĩ hạng nhất quốc gia.
Ông là họa sĩ hàng đầu của dòng tranh cực thực Trung Quốc đương đại, có những bức được bán giá hàng triệu đô la: Bức Mona Lisa – Thiết kế về nụ cười (khoảng 12,6 triệu USD); Chân dung Tiểu Khương hay Tiêu tượng chi tương – Tiểu Khương (10,9 triệu USD); Chân dung Tiểu La (4,9 triệu USD)…
|
|
Người mẫu nữ trong tranh của Lãnh Quân thường không phải là những tuyệt thế giai nhân, đơn giản chỉ là những người bình thường mà ông thấy thích hợp để vẽ. Chẳng hạn như bức Chân dung Tiểu Khương, trong đó Tiểu Khương chỉ là một công nhân nhập cư do người bạn giới thiệu với ông hay Tiểu Đường trong Chân Dung Tiểu Đường, cũng là một người lao động nhập cư mà ông tình cờ gặp trên đường đến ga lửa Vũ Hán, còn người mẫu trong Chân dung Tiểu La lại chính là …vợ ông.
Trong tạo hình, Lãnh Quân chú trọng việc thể hiện chính xác cảm xúc của nhân vật và thế giới nội tâm của họ, đồng thời, tất cả các chi tiết đều phải phù hợp với tổng thể và hoàn toàn tự nhiên.
Còn họa sĩ Darma Yuda có tên đầy đủ là Anak Agung Gde Darma Yuda (sinh năm 1977) tại Silakarang, Gianyar; tốt nghiệp mỹ thuật ở trường Cao đẳng STSI thuộc thành phố Denpasar, Bali (Indonesia). Anh là họa sĩ có triển lãm cá nhân về tranh cực thực tại Bảo tàng Nghệ thuật Agung Rai năm 2019.
Với 15 tác phẩm sơn dầu trên vải có chủ đề về bản sắc, chính trị xã hội và tính hai mặt, Darma Yuda đã thành công với bức 1 $ 2 Rangda (2015) chứa đựng tông màu tối và u ám. Họa sĩ này mô tả một bàn tay xám đang nắm chặt một tờ tiền đô la Mỹ cuộn lại, phía trên và dưới của tờ tiền lộ ra đầu của phù thủy độc ác Rangda trong thần thoại Calonarang ở Bali. Tô điểm cho cổ tay là một chiếc vòng hạt cầu nguyện, bàn tay đặt ở vị trí giống như cách thầy tu Hindu ở Bali cầm chuông nghi lễ. Ngón tay út vươn ra, hướng lên với đầu ngón màu đỏ…
|
|
Họa sĩ Lkhagvadorj Enkhbat (sinh năm 1987) cũng tạo được dấu ấn lớn. Anh tốt nghiệp Trường Nghệ thuật và Thiết kế Công nghiệp Rajiv Gandhi (2005) và Khoa Mỹ thuật thuộc Đại học Văn hóa Nghệ thuật Mông Cổ (2010). Anh là nghệ sĩ Mông Cổ đương đại, nổi tiếng với những bức chân dung theo khuynh hướng cực thực, mô tả những người đàn ông dường như bất tỉnh trên đường phố Ulaanbaatar - những người được miêu tả là nghiện rượu, vô gia cư, phải lục lọi thùng rác để tồn tại.
Bằng cách thể hiện những người đàn ông này ở thời điểm thấp nhất trong cuộc đời của họ, nghệ thuật của ông là một cuộc đối đầu khó chịu với những vấn đề tràn lan của nạn nghiện rượu và nghèo đói đã gây ra cho Mông Cổ. Ban đầu, Lkhagvadorj đã mạo hiểm ra đường để chụp những bức ảnh chân thực về những người vô gia cư này, sử dụng những hình ảnh này làm tài liệu tham khảo cho các bức tranh của mình. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành vài bức tranh, Lkhagvadorj quyết định suy nghĩ lại về phương pháp của mình và đặt ra mục tiêu làm quen với những người này, hiểu họ là ai để đưa vào tranh của mình.
|
|
|
Một họa sĩ Hàn Quốc gây ấn tượng mạnh về dòng tranh cực thực là Young-Sung Kim (김영성), sinh năm 1973 tại Seoul. Kim đã tham gia nhiều triển lãm cá nhân và nhóm trên toàn thế giới và được vinh danh với nhiều giải thưởng trong đó có Korea Youth Biennale năm 1996.
Thông qua tranh của mình, anh muốn người xem đặt câu hỏi về ý nghĩa và ‘giá trị’ của các sinh vật sống trong xã hội hiện đại của chúng ta. Kim chuyên vẽ cá trong chậu, lọ và những con vật khác như ếch, nhái, tắc kè, ốc sên và những loài côn trùng, cây nhỏ trong lọ….Có những bức tranh cực thực bán có giá 100.000 USD nên nhiều tác phẩm của Kim hiện đang được trưng bày tại New York và Luân Đôn và là một phần của những bộ sưu tập tư nhân, bộ sưu tập cố định của Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Seoul.
Bình luận (0)