Lắt léo chữ nghĩa: Thập niên và thập kỷ

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
15/06/2024 05:44 GMT+7

Ngôn ngữ thật kỳ lạ, hiện nay "thập niên" và "thập kỷ" được xem là từ đồng nghĩa, song ngày xưa chữ "kỷ" lại đa nghĩa đến mức cần thận trọng khi sử dụng từ này.

Trước hết, xin bàn về từ nguyên của niên và kỷ.

Niên có nguồn gốc từ chữ 年 (nián) trong Hán ngữ. Ký tự 年 xuất hiện lần đầu trên các bản khắc Giáp cốt văn thời nhà Thương, sau đó là trên Kim văn. Ký tự cổ của chữ 年(niên) có hình dạng giống như người đang gánh hạt gạo, nghĩa gốc là sự chín của hạt, gọi là cốc thục

(谷熟: hạt chín); sau đó dùng để chỉ vụ mùa, mùa gặt (Cốc lương truyện. Tuyên công thập lục niên); rồi có nghĩa là năm mới, lễ hội mùa xuân, người thi đậu đồng khoa, thời, thời đại, thời kỳ, tuổi tác, tuổi thọ… Trong bài viết này, niên (年) có nghĩa là "năm" (Sơn hải kinh).

Kỷ có nguồn gốc từ chữ 紀 (jì) - một ký tự xuất hiện lần đầu thời Chiến quốc, nghĩa gốc là sợi tơ (Phương ngữ, tập 10). Chữ 紀 (jì) viết theo Kim văn là 己 (kỷ), nghĩa là biên thằng (编绳: dây bện) - Thuyết văn thông huấn định thanh của Chu Tuấn Thanh. Về sau, 紀 (kỷ) mở rộng nghĩa, dùng để chỉ sự khởi đầu của sự vật (Liệt Tử. Thang Vấn); sự hướng dẫn, nguyên tắc, pháp luật, kỷ luật, sự kết thúc, người phục vụ, việc làm, quản lý và ghi chép… Riêng ở đây, 紀 (kỷ) có nghĩa là "thời đại" (Xuất sư tụng của Sử Sầm thời Hán) và "năm" (Ngũ du vịnh của Tào Thực thời Tào Ngụy).

Như vậy, niên và kỷ đều dùng để chỉ "năm" (nhất niên hay nhất kỷ = 1 năm; thập niên hay thập kỷ = 10 năm), song theo cách tính hiện nay, kỷ còn có nghĩa là 10 năm (nhất kỷ); thập niên kỷ cũng là 10 năm; thời Trung Quốc cổ đại gọi là "trật" (秩: 10 năm), tương ứng với một niên đại (10 năm).

Có 2 cách tính thập niên hoặc thập kỷ:

- Từ 0 - 9 (năm kết thúc bằng số 0 đến năm kết thúc bằng số 9), ví dụ: "thập niên 60 của thế kỷ 19" (1860 - 1869), còn gọi là "những năm 1860"; "thập kỷ 70 của thế kỷ 20" (1970 - 1979), còn gọi là "những năm 1970". Tuy nhiên, cách tính này không áp dụng cho thập niên/thập kỷ trong 10 năm đầu tiên của Công nguyên, vì không có năm 0. Cách gọi "thập kỷ" (10 năm) chỉ phổ biến từ cuối thế kỷ 19, thường sử dụng cho Tây lịch (lịch Gregorius).

- Từ 1 - 0 (năm kết thúc bằng số 1 đến năm kết thúc bằng số 0), ví dụ: "thập niên đầu tiên của thế kỷ 20" (1901 - 1910) hoặc "thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21" (2011 - 2020).

Hiện nay, phần lớn người sử dụng thuật ngữ thập niên hoặc thập kỷ (decade) đều thích cách tính từ 0 - 9 hơn (64% trong 13.582 người ở Mỹ đều theo cách này qua cuộc khảo sát của YouGov - công ty phân tích dữ liệu ở Anh quốc).

Trong trường hợp khác, 10 thập niên hay 10 thập kỷ = 100 năm (1 thế kỷ); 10 thế kỷ = 1.000 năm, tức 1 thiên niên kỷ (còn gọi là 1 thiên niên hoặc 1 thiên kỷ). Song ngày xưa, chữ kỷ được hiểu là 12 năm (Đại Nam Quấc Âm tự vị, tr.511 và những tài liệu khác). Ngoài ra, các học giả Hà Cửu Doanh, Vương Ninh, Đổng Côn cho biết 1 kỷ còn bằng 1.500 năm hoặc bằng 1 đời vua của 1 vương triều (Từ nguyên, ấn bản thứ ba, tập 2, Thương vụ ấn thư quán (2015), tr.3178).

Chính vì sự phức tạp kể trên, tuy thập niên và thập kỷ hiện nay đều có nghĩa là 10 năm, song nếu cần, nên dùng từ thập niên thay cho thập kỷ để tránh nhầm lẫn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.