Trên trang Chim Việt Cành Nam, Sóng Việt có bài Cầu dây văng ở VN. Tác giả này viết: “Về từ nguyên thì cầu dây văng là cầu gồm một hoặc nhiều trụ, với cáp neo chịu đỡ toàn bộ hệ mặt cầu và các dầm cầu. Cầu dây văng tiếng Anh được viết là cable-stayed bridge. Văng có lẽ là từ phiên âm từ gốc Nga ВАНТЫ, có nghĩa là thừng chăng cột buồm. Cầu dây văng tiếng Nga: ВАНТОВЫЙ МОСТ cũng được gọi là cầu dây băng. Cũng có thể cầu dây băng xuất phát từ thuật ngữ tiếng Pháp tương đương là pont à haubans (?). Và có thể văng và băng đều là biến thể phát âm của cùng một từ (?). Vì Liên bang Nga có liên hệ với VN từ những thập niên 1980, nên có lẽ là phiên âm từ chữ Nga thành cầu văng (?). Hay từ chữ nguồn gốc Pháp haubans thành cầu dây băng (?). Và nay cầu dây văng hay cầu dây băng cùng được hiểu như là nói về loại cầu với trụ có nhiều dây cáp neo chịu đỡ gắn vào cột trụ”.
Sóng Việt viết như trên còn chúng tôi thì thấy người ta cố ý đưa ra ba tiếng “cầu dây băng” chỉ là để có thể quy âm “băng” của tiếng Việt về âm tiết “ban[s]” trong haubans của tiếng Pháp mà thôi. Nhưng ba tiếng “cầu dây băng” thì không hề tồn tại trong các văn bản viết và các phương tiện truyền thông nên tiếng Pháp không có vai trò gì ở đây. Người ta lại đưa tiếng Nga ВАНТОВЫЙ МОСТ ra để quy từ văng trong cầu dây văng về âm ВАН nhưng đây lại là “van” chứ cũng không phải “văng”. Huống chi, về cầu Mỹ Thuận thì nghiên cứu khả thi là Snowy Mountains Engineering Corp. của Úc; thiết kế là Maunsell Engineering cũng của Úc; nhà thầu xây dựng là Baulderstone Hornibrook lại của Úc (với sự trợ giúp của Freyssinet Pháp trong việc kéo dây cáp). Vậy chỉ có tiếng Anh mới có thể có vai trò gì đó ở đây. Nhưng tiếng Anh thì lại gọi kiểu cầu này là cable-stayed bridge, không có âm nào na ná tiếng văng, dù là chỉ nghe văng vẳng…
Dĩ nhiên văng cũng không đến từ tiếng Hán vì người Trung Quốc gọi kiểu cầu này là tà lạp kiều [斜拉橋] hoặc tà trương kiều [斜張橋], mà âm Bắc Kinh cũng chẳng có gì nghe văng vẳng như văng. Vậy nó do đâu mà ra? Thưa chẳng do đâu cả vì đây là tiếng Việt.
Việt-Nam tự-điển của Khai trí Tiến Đức giảng văng là “thanh tre hay sắt để căng mặt hàng cho thẳng: cắm văng”. Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức cũng giảng là “thanh tre dùng căng thẳng mặt hàng: cắm văng”. Rồi còn thêm mục: “Văng. Chuồng thú vật: Văng trâu; Đóng văng, tháo văng, tra văng”. Thực ra, mục sau chỉ là phái sinh từ mục trước và văng trong cầu dây văng chính là chữ văng này. Cứ theo tên thì cầu dây văng là cầu mà các dây cáp được “căng đến mức không còn có thể căng thêm được nữa”, khác với cầu dây võng là cầu mà mặt đường được treo lên bằng những dây cáp treo, những dây cáp này được cột vào dây cáp chính, dây này vì sức nặng nên võng xuống.
Vậy văng không đến từ tiếng Pháp, tiếng Nga hay tiếng Anh. Nó là tiếng Việt.
Bình luận (0)