Trên thực tế, gỗ của cây đa không tốt, còn gỗ đề (bồ đề) nằm trong nhóm 8, cuối bảng phân loại nhóm gỗ VN. Gỗ đề có độ bền thấp, dễ bị mối mọt, mềm và xốp. Song, không phải ngẫu nhiên mà thành ngữ cây đa, cây đề dùng để chỉ người sống thọ, đáng kính trọng.
Hiện nay, có hơn 1.000 loài cây đa trên thế giới. Ở phương Tây, cây đa có tên tiếng Anh là banyan, chủ yếu dùng để chỉ cây đa Bengal (Ficus benghalensis) có nguồn gốc từ Ấn Độ và Bangladesh, một loài mà người Trung Quốc gọi là Mãng (mạnh) gia lạp dong (孟加拉榕). Tuy nhiên, ở Trung Quốc và châu Á, cây đa là thuật ngữ chủ yếu dùng để chỉ cây đa lá nhỏ (Ficus microcarpa) với nhiều tên gọi khác nhau: dong thụ, chính dong - cách gọi ở Trung Quốc; tế diệp dong - Quảng Đông; vạn niên thanh - Vân Nam; quỷ tể thụ - Đài Loan… Cây đa lá nhỏ là một loài phổ biến thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), có hình dáng tương tự cây đa Bengal, cao 15 - 25 m, tán rộng.
Trong Ấn Độ giáo, lá của cây đa được cho là nơi an nghỉ của thần Krishna. Trong đạo Hindu, cây đa có liên quan với lễ hội Vat Purnima. Trong kinh điển tiếng Pali của Phật giáo, cây đa (tiếng Pali: nigrodha) mang tính biểu tượng, được nhắc nhiều lần. Ở Philippines, người ta gọi cây đa là cây balete, nơi trú ngụ của một số vị thần và linh hồn.
Cây đề, còn gọi là cây bồ đề (Ficus religiosa), một loài có nguồn gốc từ Ấn Độ và Đông Dương, thuộc họ Dâu tằm Moraceae. Ở Ấn Độ và Nepal người ta gọi cây đề là cây pippala, peepul, peepal, pipal hay ashvattha. Loài cây này cao tới 30 m, đường kính thân lên tới 3 m.
Cây đề có ý nghĩa trong Ấn Độ giáo, Phật giáo và Kỳ Na giáo. Những người tu khổ hạnh theo đạo Hindu và đạo Jain thường ngồi thiền ở gốc cây này. Người ta tin rằng Phật Thích-ca Mâu-ni (Gautama) đã đạt được sự giác ngộ dưới cây bồ đề (cây đề). Ở Đông Nam Á, các đền thờ Phật giáo nguyên thủy hoặc linh vật thường trồng loại cây này.
Xét về y học cổ truyền, cây đa có công dụng thanh nhiệt, thúc đẩy tuần hoàn máu và giải độc, trị tiêu chảy, ghẻ lở, trĩ, hắc lào...; cây đề dùng để điều trị hen suyễn, tiểu đường, tiêu chảy, động kinh… Xét về kinh tế, người ta thường dùng cây đa, cây đề trong thiết kế cảnh quan sân vườn, đường phố; làm cây cảnh bonsai; trồng rừng sinh thái…
Trong ca dao, tục ngữ có nhiều câu liên quan với cây đa, cây đề, được hiểu ở nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ, “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” (Nam quốc phương ngôn tục ngữ bị lục, 1914); “Con vua thời lại làm vua. Con nhà thầy chùa thì quét lá đa” (Quốc phong thi tập hợp thái, 1910). Tuy gỗ của cây đa và cây đề không tốt, song không thể phủ nhận ý nghĩa tôn giáo, giá trị y học và kinh tế của hai loài cây này. Thành ngữ “cây đa, cây đề” ví người có trình độ thâm niên cao, có uy tín trong nghề là cách nói mang tính ẩn dụ, không nên hiểu theo nghĩa đen rồi cho rằng “thân của cây đa, cây đề là vô dụng, gỗ chẳng để làm gì, chụm lửa còn không xong”.
Bình luận (0)