Lắt léo chữ nghĩa: 'Chim' là một từ Việt gốc Hán

29/08/2021 07:00 GMT+7

Cách đây hơn một thế kỷ, trong Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite – Les initiales (Imprimerie d’Extrême-Orient, 1912), Henri Maspéro đã quy từ chim trong chim chóc về gốc Môn-Khmer bằng cách dàn hàng ngang để so sánh.

So sánh này đặt theo thứ tự như sau (tr. 101):
Annamite čyim – Mon čem – Khmer [bỏ trống] – Stieng čyim – Bahnar sem – Rơngao čyĭm – Kha sim – Cham [bỏ trống].
Sự dàn ngang để so sánh như trên chỉ là chuyện trông mặt mà bắt hình dong nhiều khi bị hố vì áp đặt chứ không theo quy luật tương ứng ngữ âm nào. Đã thế, tiếng Khmer là ngôn ngữ của một quốc gia (Campuchia) thì lại bị “bỏ trống” vì không có từ tương ứng với chim là từ cần so sánh. Thật là hài hước! Còn Cham là một ngôn ngữ Malayo-Polynesian chứ đâu có phải Môn-Khmer (Mà nó cũng bị “bỏ trống”). Tiếng Khmer không có một từ “thuần Khmer” riêng cho chim mà phải dùng cả một danh ngữ là sat slaap (thú [có] cánh) hoặc sat haǝ (thú [biết] bay) để diễn đạt. Còn các ngôn ngữ Stieng, Bahnar, Rơngao và Kha ư? Xin thưa rằng các thứ tiếng đó đã mượn từ của tiếng Việt. Chúng tôi đã có dịp chứng minh rằng chính tiếng Bahnar đã mượn từ của tiếng Việt rồi Bahnar-hoá nó và đã chứng minh một cách chắc chắn. Đến như tiếng Kha thì, như chính Maspéro đã nói tại cước chú số 1 trang 6, chính ông đã thu thập nó tại “Tung-son (Nghệ-an)” nhưng tộc danh Kha cũng không tìm thấy trong tên chính thức của các dân tộc ở Việt Nam. Nếu đó là người La Hủ, tức Xá Lá Vàng thì họ lại thuộc nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng (nên cũng không thể đưa vào hàng ngang đó để so sánh được). Vậy cái hàng ngang đó của Maspéro phỏng có tác dụng gì? Xin khẳng định chim của tiếng Việt không có nguồn gốc Môn-Khmer. Vậy nó do đâu mà ra?
Xin thưa chim là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [禽], mà âm Hán Việt là cầm. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) ghi cho chữ cầm [禽] các nghĩa sau đây: 1.– đuổi bắt; bắt (được); 2.– khắc chế; 3.– đặc chỉ việc săn bắn; 4.– vật săn bắn được; chỉ chung các loại chim, thú, cá; 5.– chỉ thú bốn chân; 6.– chỉ chim nói chung; 7.– chim, thú chưa sinh đẻ; 8.– lễ vật. Đi vào tiếng Việt, cầm [禽] là một hình vị đặc chỉ loài chim, phân biệt với súc (bốn chân) và ngư (cá) nên ta có hai danh ngữ rạch ròi: gia súc (thú nuôi bốn chân như dê, lợn, bò, v. v.) và gia cầm (như gà, vịt, ngỗng, v.v.).
Từ chim xuất phát từ nghĩa đặc chỉ này của hình vị cầm [禽] trong tiếng Việt. Về ngữ âm thì tương quan vần ÂM ↔ IM giữa cầm chim còn thể thấy thông qua nhiều trường hợp khác nữa, như: – tâm ↔ tim; – tầm ↔ tìm; – thẩm ↔ thím; – trầm ↔ chìm. Tương quan phụ âm đầu C[k] ↔ CH giữa cầmchim thì rất xưa nhưng vẫn còn tìm thấy ở chữ công [公] có điệp thức là chung trong riêng chung. Hoặc như chữ cảo [筊] có điệp thức là chão trong thừng chão. Chính chữ công [公] cũng hài thanh cho các chữ chung như [妐], [彸], [䚗], [𨳗], v.v.. Vậy sẽ không có gì lạ nếu chim là một từ gốc Hán rất xưa của tiếng Việt.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.