Tất là hình thức rút ngắn của bít tất, mà Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức giảng là “cái để mặc (sic) vào chân”. Bít tất là một cách nói trại từ tiền thân của hai tiếng tế tất, một cấu trúc tiếng Hán mà chữ viết là [蔽膝], âm Bắc Kinh hiện nay là bì xī.
Nhưng tế tất không phải là bít tất. ChineseWords.org (漢語網) giảng là “khăn to choàng phía trước của y phục, dùng để che đầu gối”. Còn tiền thân thật xa xưa của nó thì rất đơn sơ: đó chẳng qua chỉ là cái khố dùng để che bộ phận sinh dục, như đã được giải thích tại mục “Giải mật” [解密] của Shanghai Guanfu Museum (http://www.guanfumuseum.org.cn/20477.html).
Vậy tiền thân của tế tất như thế nào mà ta lại có “tế > bít”, một kiểu quan hệ ngữ âm khó tin? Cái chữ [蔽] này, âm Hán Việt hiện hành là tế, âm Bắc Kinh là bì, nhưng âm thượng cổ của nó thì lại có /t/ cuối và nó vốn là piat, như Vương Lực đã phục nguyên trong Đồng nguyên tự điển (Bắc Kinh, 1997, tr.498). Một số nhà khác đã phục nguyên khác nhưng vẫn có /t/ cuối cho nó. Vậy, ở đây, ta có “piat > bít” và bít là một yếu tố gốc Hán cực kỳ cổ xưa.
Bít tất thì như thế còn khuất tất thì như thế nào? Thì cũng chữ tất [膝] có nghĩa là đầu gối còn khuất [屈] là co lại, bẻ cong, cúi xuống. Vậy khuất tất [屈膝] chỉ đơn giản là “uốn gối, xuống gối, quỳ gối” như đã giảng trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của.
Với hai tiếng này, ta có cụm từ khuất tất lễ [屈膝禮], tiếng Anh là curtsy (cũng viết curtsey, courtesy), một kiểu chào theo đó người phụ nữ nhún đầu gối xuống và cúi đầu trước người được kính trọng. Đây vẫn còn là món quen thuộc trong Hoàng gia nước Anh. Vừa rồi, tại lễ kỷ niệm Đệ nhất thế chiến, nữ Thủ tướng Anh Theresa May đã “khuất tất” quá thấp trước hoàng tôn William, khiến nữ ký giả Lauren Turner phải viết bài Theresa May and the art of the curtsy (Theresa May và cung cách cúi chào), đưa lên BBC ngày 9.8.2018, với lời chú thích cho bức ảnh (in kèm theo đây): “The Prime Minister's curtsy has been attracting some attention for its impressive depth” (Cách cúi chào của thủ tướng đã ít nhiều gây chú ý vì cái sự nhún thấp nổi trội của nó).
Thế nhưng nhiều người lại dùng hai tiếng khuất tất theo cái nghĩa “mờ ám, có dụng ý giấu giếm”, tạo ra một khoảng cách “cà-nông bắn cũng không tới” so với cái nghĩa chính xác của nó. Cái hại này là do từ nguyên dân gian (folk etymology) gây ra. Khuất tất đích thực là gì thì ít người biết nhưng nhiều người lại biết chữ khuất trong khuất lấp, khuất gió, khuất mặt khuất mày, che khuất... Vậy là người ta cứ “a thần phù” khuân cái nghĩa của chữ khuất ở đây mà vứt vào nội hàm của hai tiếng khuất tất nên mới ra cái nghĩa “mờ mờ ám ám” ở trên.
Bình luận (0)