Lắt léo chữ nghĩa: Cống hay vẫn là cổng?

13/10/2019 07:04 GMT+7

Câu 267 của Truyện Kiều là Thâm nghiêm kín cổng cao tường . Phần lớn các bản phiên âm đều đọc như thế, nhưng Tản Đà thì đọc thành Thâm nghiêm kín cống cao tường .

Nghĩa là thi sĩ “Tản Viên trước mặt - Đà giang cạnh nhà” đã đổi chữ thứ 4 trong câu thơ của Tố Như thành “cống”. Đây là chuyện hồi năm 1941. Rồi đến 2002, trong Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872 (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Tài Cẩn cũng theo thuyết của Tản Đà mà viết: “Có thể đọc CỐNG hoặc CỔNG. Nhưng theo Tản Đà, đọc CỐNG thì hợp lý hơn: KÍN CỐNG thì mới CẠN DÒNG LÁ THẮM được”. Vì thế trong phần phiên âm, Nguyễn Tài Cẩn cũng ghi “kín cống cao tường”.
Thực ra thì Tản Đà đã sai ngay từ đầu: Cống thì phải hở, phải mở chứ kín thì làm sao nước chảy ra ngoài được. Huống chi, kín cổng là vế đầu của thành ngữ kín cổng cao tường đã ra đời tự đời nào. Nguyễn Tài Cẩn cũng theo Tản Đà mà đọc như thế. Còn chúng tôi thì lại cho rằng nếu cống mà kín thì dòng sẽ không cạn (câu 268 là Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh); nó sẽ tràn, sẽ ngập, hoặc sẽ trào ra ở bất cứ chỗ nào nước có thể thoát đi được. Nói cho đúng ra thì cái sự “cạn dòng” chỉ có thể là kết quả của sự khô nước, ít nhất cũng là sự thiếu nước mà thôi, chứ làm sao lại có thể do sự “kín cống” gây ra cho được? Minh chứng cho điều vừa nói là cái sự ngập đường trong mùa mưa tại Hà Nội và TP.HCM chỉ do cái sự “kín cống”, nghẹt cống, thiếu cống mà ra đó. Huống chi, đã không làm thì thôi, chứ đã làm thì người ta phải làm cống “hở” (cho nước thoát đi) chứ ai lại làm cống “kín”?
Vậy chữ “cống” của thi sĩ Tản Đà là một chữ không thích hợp và sở dĩ chúng tôi buộc phải lý sự như trên chỉ là để nói rằng ta không nên hiểu ngữ đoạn vị từ “cạn dòng lá thắm” theo nghĩa đen của từng tiếng. Và khi ta đã không cần hiểu chữ “cạn” theo nghĩa đen thì ta tất cũng chẳng cần bận tâm đổi cổng thành “cống” làm gì vì bốn tiếng kín cổng cao tường vốn là một thành ngữ đã tồn tại từ lâu. Huống chi, nếu ta cứ tự trói mình vào nghĩa đen, thì ta cũng buộc phải thừa nhận rằng “tường cao” cũng chẳng thể nào “dứt đường chim xanh” được.
Chim bay về núi tối rồi (ca dao). Đến núi mà chim còn có thể bay về được thì “tường cao” đã... nhằm nhò gì!
Hóa ra nếu cứ hiểu từ ngữ ở đây theo nghĩa đen thì ta lại vô tình biến Nguyễn Du thành một ông già lẩm cẩm, ăn nói cứ mâu thuẫn lung tung: cứ bít cống lại thì nước sẽ cạn, cứ xây tường cho cao thì chim khỏi bay qua! Và biết đâu có người sẽ giải thích rằng sở dĩ Kiều nói với Kim Trọng “Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh” thì chẳng qua chỉ là vì nàng không đủ... vật liệu và nhân công để làm việc đó mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.